Khu bảo tồn vịnh Nha Trang: Suy giảm hệ sinh thái rạn san hô ở Hòn Mun

Nếu so sánh với kết quả nghiên cứu năm 1994, độ phủ trung bình của san hô tại vịnh Nha Trang khoảng 30% thì nay giảm khoảng 7,2%, chỉ còn 22,8%; diện tích san hô suy giảm từ 754ha xuống còn 636,6ha.
Khu bảo tồn vịnh Nha Trang: Suy giảm hệ sinh thái rạn san hô ở Hòn Mun ảnh 1Một khu vực trong khu bảo tồn vịnh Nha Trang, rạn san hô ở tình trạng chất lượng rất kém. (Ảnh: TTXVN phát)

Vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Ở đây, có quần thể sinh thái biển đa dạng, phong phú từ san hô, thảm cỏ biển, cho tới rừng ngập mặn, vùng đáy mềm hoặc vách đá, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô ở Hòn Mun được công nhận là phong phú.

Trước sự biến đổi khí hậu, sức ép phát triển kinh tế, du lịch, hệ sinh thái tự nhiên nơi đây đang ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Một số loài động, thực vật biển đang rơi vào tình trạng "báo động đỏ" về sự sinh tồn.

Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh do người dân đăng tải về các rạn san hô bị hư hại ở quanh đảo Hòn Mun - vùng lõi Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Các nhà quản lý, chuyên môn, người dân địa phương và khách du lịch yêu thích khám phá biển cũng đã có nhiều ý kiến về việc này.

Hệ sinh thái rạn san hô bị suy giảm có phần do con người

Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang (trước đây có tên gọi là Khu bảo tồn biển Hòn Mun) được thành lập năm 2001, có diện tích khoảng 160km2, bao gồm khoảng 38km2 mặt đất và khoảng 122km2 vùng nước xung quanh 9 đảo gồm Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Mun, Hòn Cau, Hòn Vung, Hòn Rơm và Hòn Ngọc.

Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng từ san hô, thảm cỏ biển, cho tới rừng ngập mặn, vùng đáy mềm hoặc vách đá, trong đó san hô cứng được ghi nhận tập trung nhiều ở Hòn Mun. Ngoài san hô, khu bảo tồn còn có nhiều loài cá rạn, thân mềm, giáp xác, da gai, rong và cỏ biển…

Theo các nhà nghiên cứu khoa học, hệ sinh thái rạn san hô đặc biệt có tính nhạy cảm cao đối với các yếu tố của môi trường sống như sự thay đổi về nhiệt độ, cường độ ánh sáng, nồng độ a xít trong nước, lượng trầm tích và một số yếu tố muối dưỡng, kim loại đều ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn của rạn san hô.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, chia sẻ: Không riêng gì môi trường biển ở vịnh Nha Trang mà ở khắp nơi trên cả nước đều đang bị suy thoái trầm trọng.

Hệ sinh thái rạn san hô tại Hòn Mun ngoài chịu sự tác động của biến đổi khí hậu, còn đang chịu áp lực, hệ lụy từ sự phát triển kinh tế. Nói về nguyên nhân thực sự, ông An cho rằng cần có một nghiên cứu, đánh giá khách quan, khoa học về nguyên nhân của việc hệ sinh thái rạn san hô bị xâm hại.

[Bình Định: Làm rõ nguyên nhân san hô tại Hòn Sẹo chết hàng loạt]

Người dân và du khách cũng có quan điểm riêng, rõ ràng khi tham gia các tour lặn biển tại vịnh Nha Trang, tận mắt nhìn thấy những rạn san hô đẹp hút hồn ngày nào ở khu bảo tồn biển này thì hiện nay trong tình trạng tan hoang, xơ xác.

Anh Đỗ Thành Quân, người dân thành phố Nha Trang cho biết, sau hai năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, mới đây, anh đã cùng những người bạn trở lại bãi lặn ở Hòn Mun và rất buồn khi xác của san hô được sóng đánh dạt, tấp vào khu vực ven bờ Hòn Mun “trắng cả một bãi, nhìn y như một bãi tha ma.”

Khi lặn sâu xuống đáy biển, anh Quân thấy nhiều khu vực rạn san hô bị suy giảm, không còn màu sắc san hô rực rỡ như những năm trước. Theo anh Quân, sự ấm lên của toàn cầu tác động đến môi trường biển rất lớn, đó cũng là một phần nguyên do dẫn đến hiện trạng hệ sinh thái rạn san hô suy giảm. Tuy nhiên, cũng cần phải nói đến yếu tố con người, nhiều tàu cá vẫn còn đi ngang và đánh bắt trái phép trong khu bảo tồn.

Một huấn luyện viên lặn biển với hơn 20 năm trong nghề xin giấu tên, xúc động nói: "Nếu phải diễn tả đáy biển Hòn Mun thì bạn cứ tưởng tượng chúng ta đang ở cảnh đẹp từ thiên đường thì nay chỉ còn ở trên đống đổ nát, hoang tàn, là cát, đá, san hô chết trắng. Hệ sinh thái biển ở các rạn san hô mất dần từ những năm qua."

Nếu nói về nguyên nhân, vị huấn luyện viên này cho rằng, sự tàn phá hủy hoại do “mẹ thiên nhiên thịnh nộ” chỉ là một phần nhỏ, phần chủ quan vẫn là do con người. Con người vẫn chưa có ý thức lớn trong việc bảo tồn biển, đánh bắt, khai thác trái phép vẫn còn diễn ra và quan trọng là sự có mặt của lực lượng chức năng trong vấn đề ngăn chặn sự việc vẫn còn rất ít.

Các con số báo động

Tại vịnh Nha Trang, việc đánh giá và giám sát tài nguyên đa dạng sinh học được tiến hành từ năm 2002. Các kết quả khảo sát, nghiên cứu khoa học của Viện Hải dương học từ năm 2002-2015 ở các vùng bảo vệ nghiêm ngặt đều có giá trị độ phủ san hô cứng cao và duy trì ổn định theo thời gian.

Trong khi đó, phần lớn các điểm giám sát nằm bên ngoài vùng bảo vệ có biến động theo chiều hướng giảm. Nếu so sánh với kết quả nghiên cứu năm 1994, độ phủ trung bình của san hô vịnh Nha Trang khoảng 30% thì nay giảm khoảng 7,2% chỉ còn 22,8%; diện tích san hô suy giảm từ 754ha xuống còn 636,6ha (giảm khoảng 13,5%).

Khu bảo tồn vịnh Nha Trang: Suy giảm hệ sinh thái rạn san hô ở Hòn Mun ảnh 2Một khu vực trong khu bảo tồn vịnh Nha Trang, rạn san hô ở tình trạng chất lượng rất kém. (Ảnh: TTXVN phát)

Tháng 1/2022, Ban quản lý vịnh Nha Trang - đơn vị giúp cho Ủy ban Nhân dân thành phố Nha Trang quản lý việc khai thác các giá trị vịnh Nha Trang trên cơ sở bảo vệ, bảo tồn danh lam thắng cảnh và hệ đa dạng sinh học trên vịnh, giúp thành phố làm đầu mối phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện quản lý tổng hợp vịnh Nha Trang đã tiến hành khảo sát đa dạng sinh học trong Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun.

Kết quả được công bố ở 4 điểm khảo sát và đối chiếu với tiêu chuẩn phân chia chất lượng rạn của English et al. (1997) cho thấy, chất lượng rạn san hô Hòn Mun nói chung ở mức trung bình. Trong đó, khu vực Đông Bắc Hòn Mun có độ phủ san hô trung bình khoảng 41,63%, tiếp đến đều chất lượng rạn kém là Tây Bắc với 24,60% và Đông Nam 14,50%. Cuối cùng rạn san hô rất kém ở điểm khảo sát Tây Nam với 7,80%.

Để dễ hình dung sự suy giảm của hệ sinh thái rạn san hô, Ban quản lý vịnh Nha Trang còn so sánh hiện trạng rạn san hô năm 2015 với 2022. Theo đó trạm khảo sát Đông Bắc-Tây Nam nếu năm 2015 ở tình trạng tốt, độ phủ trung bình 53,70%, thì năm 2022 chỉ còn 32,62% - chất lượng trung bình. Trạm Đông Nam-Tây Bắc tương tự năm 2015 độ phủ trung bình 52,20% ở tình trạng tốt thì đến 2022 rơi vào tình trạng kém, chỉ còn 11,15%.

Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang cho rằng thực tế mà người dân, khách du lịch thông tin hệ sinh thái rạn san hô bị suy giảm là có. Tuy nhiên, nói nguyên nhân duy nhất từ phía các cơ quan làm công tác bảo tồn biển là nhận định phiến diện, dễ gây hiểu nhầm, bởi sự suy thoái này là do nhiều yếu tố tác động.

Thời tiết cực đoan đã làm cho một số khu vực có rạn san hô phong phú và đa dạng như: Hòn Mun, Hòn Một, Hòn Tằm và Đông bắc Hòn Tre hệ sinh thái san hô bị thiệt hại nặng nề 70-80% sau cơn bão số 12 Damrey tháng 11/2017 (Hòn Tằm độ phủ san hô cứng suy giảm đột ngột vào tháng 7/2017 từ 56,8% xuống còn 12,5% vào tháng 12/2017 độ phủ giảm gần 80%, khu vực Bãi Sạn độ phủ giảm trên 70%).

Năm 2019, san hô bị “tẩy trắng” do một số khu vực trên vịnh Nha Trang có nhiệt độ nước biển tăng, kết quả năm 2020 cho thấy tỉ lệ san hô cứng bị “tẩy trắng” lên đến 39,5%. Sau cơn bão Damrey, các rạn san hô đã có dấu hiệu phục hồi trở lại. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, khu vực trên tiếp tục bị ảnh hưởng của cơn bão số 9 làm gẫy đổ và bị sóng đánh lên bờ tới 70% diện tích phân bố rạn san hô ở Tây Nam Hòn Mun và phía Nam.

Ông Huỳnh Bình Thái nhìn nhận ngoài ra, cũng phải kể đến các yếu tố do sức ép từ du lịch, ô nhiễm nguồn nước từ việc nuôi trồng thủy sản, nguồn nước từ sông Cái đổ vào vịnh Nha Trang và tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép của người dân trong vùng lõi Khu bảo tồn vẫn chưa chấm dứt.

Bên cạnh đó, khối lượng xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển, san lấp, lấn biển trên các đảo trong vịnh Nha Trang dẫn đến trầm tính trong nước tăng cũng tác động phần nào hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực khảo sát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục