Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, tính từ ngày 19/1 đến 31/1 (tức từ 28 Tết đến mùng 10 Tết Quý Mão 2023), Khu Di tích lịch sử Văn hóa-Danh thắng và du lịch núi Bà Đen đã thu hút trên 1 triệu lượt du khách.
Doanh thu vé vào cổng ước đạt gần 9 tỷ đồng, tăng trên 47% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngày mùng 4 Tết (ngày khai mạc Hội Xuân núi Bà Đen) ghi nhận số lượt khách tăng đột biến trên 185.000 lượt, doanh thu vé vào cổng đạt trên 1,7 tỷ đồng.
Đặc biệt, việc đưa tuyến cáp treo mới dài 1.208m, với 76 Cabin kết nối từ Chùa Bà lên đỉnh núi Bà Đen cao 986m từ ngày 1/1, đã đem tới trải nghiệm mới mẻ cho du khách, cũng như góp phần rút ngắn khoảng thời gian di chuyển cho khách từ hai khu vực này.
Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Sun World BaDen Mountain đã bố trí hơn 30 loại hoa tạo thành các thảm hoa rất đặc sắc ở chân núi và trên đỉnh núi Bà Đen.
Tổng số trên 400.000 cây hoa các loại như cẩm tú cầu, xác pháo đỏ, ngọc thảo, cúc Zinnia, khuâng khuâng, lồng đèn Hội An, nữ hoàng xanh…. và hơn 100.000 cây hoa tulip trưng bày thành nhiều đợt, góp phần mang lại diện mạo mới cho Khu Di tích lịch sử Văn hóa-Danh thắng và du lịch núi Bà Đen.
Mỗi năm, vào dịp đầu xuân, quần thể Khu danh thắng di tích núi Bà Ðen thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và ngoài nước đến hành hương, tham quan, du ngoạn và dự Lễ hội Xuân núi Bà.
Lễ hội thường khai mạc vào ngày mùng 4 Tết và kéo dài suốt tháng Giêng. Lễ hội núi Bà Ðen là nơi sinh hoạt văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
[Tây Ninh: Khai mạc Hội Xuân núi Bà Đen năm Quý Mão 2023]
Núi Bà Đen từ lâu đã là một danh thắng nổi tiếng và được coi là biểu tượng của vùng đất Tây Ninh, miền Đông Nam Bộ.
Nằm cách Trung tâm thành phố Tây Ninh 11km, quần thể di tích núi Bà Ðen trải rộng trên diện tích hơn 24km2 gồm ba ngọn Núi Bà, núi Phụng và núi Heo, trong đó núi Bà cao nhất với độ cao 986 mét so với mặt biển.
Khu vực núi có suối chảy róc rách từ trên đỉnh núi xuống chân núi và hàng trăm hang, động, chùa chiền, đền miếu. Các hang động trong khu vực núi Bà Ðen qua hàng trăm năm đã được xây dựng, cải biến thành những nơi linh thiêng thờ thần, thờ Phật như Hang Gió, chùa Hang, động Thanh Long, động Ông Hổ, Ông Tà, Ba Cô, Thiên Thai.
Lên lưng chừng núi khoảng 350m, du khách có thể vào viếng và tham quan Linh Sơn Thiên Thạch động (Ðiện Bà), được xây dựng dựa vào thế núi từ một mái đá tự nhiên nhô ra thành am động, bên trong có bàn thờ đặt hình tượng Bà Ðen.
Ðiện Bà là nơi thờ phụng chính gắn liền với Lễ hội núi Bà Ðen cùng các chùa Hạ và chùa Trung. Gần đó, ở độ cao hơn về phía đỉnh núi là miếu Sơn Thần, từ đây du khách được ngắm nhìn toàn cảnh hồ nước Dầu Tiếng, một công trình thủy lợi đẹp và lớn ở Việt Nam hiện nay.
Trong quần thể núi Bà Ðen có khu vực suối Vàng - còn gọi là "Ma Thiên Lãnh" nằm phía Tây núi Phụng với hồ Chằm, đền thờ Ông Lớn Trà Vong, tạo thành khu di tích mang đậm nét tâm linh.
Ðể lên núi, du khách đi theo con đường quanh co, uốn lượn qua những dốc cao và ven triền núi, thấp thoáng ẩn hiện trong màn sương mù, trải dài qua các địa danh gắn liền những sự tích, truyền thuyết huyền bí.
Cả một vùng đồng bằng mênh mông vùng ngoại ô thành phố Tây Ninh với những cánh đồng lúa trải rộng thẳng tắp, vùng chuyên canh mãng cầu, từng thửa rau xanh mỡ màng như làm nền để tôn lên ngọn núi Bà Đen vốn là “nóc nhà Nam Bộ” với độ cao 986m.
Nhìn từ xa, núi Bà Đen lúc nổi bật giữa nền trời xanh, lúc ẩn hiện dưới từng gợn mây bảng lảng lẫn trong sương. Ngọn núi như mê hoặc du khách, gợi những truyền thuyết tâm linh, ẩn chứa nhiều nét đặc trưng văn hóa của một vùng đất Tây Ninh đầy nắng, gió…
Hơn thế, đỉnh núi cao nhất Nam Bộ này thường có mây bao phủ, còn là điểm săn mây lý tưởng cho các tay máy chuyên và không chuyên. Có lẽ cũng bởi vậy mà đỉnh núi này còn có tên là Vân Sơn./.