Ngày 28/12, Cơ quan Khí tượng quốc gia Argentina (SMN) đã nâng mức cảnh báo nắng nóng lên màu cam tại thủ đô Buenos Aires sau khi nhiệt độ ban ngày lên tới 35 độ C, trong lúc hệ thống điện bị quá tải gây mất điện trên diện rộng.
Gần 51.000 người sinh sống ở Buenos Aires đã phải chịu cảnh thiếu điện trong cái nóng chẳng mấy quen thuộc với khí hậu luôn mát mẻ ở quốc gia này.
Các chuyên gia của SMN dự báo nắng nóng sẽ còn kéo dài tới ngày 30/12 và hy vọng sau đó gió đổi hướng sẽ làm cho khí hậu mát mẻ hơn để người dân đón Năm mới.
Bộ Năng lượng Argentina cũng kêu gọi người dân tiết kiệm điện khi nhu cầu sử dụng điều hòa tăng mạnh. Từ năm 2011 tới nay, Argentina luôn đối diện với tình trạng thiếu điện vào mùa Hè khiến nước này phải nhập khẩu điện từ Brazil và Uruguay.
Trong khi đó, tại nước láng giềng Chile, các nhà chức trách đã ban bố báo động đỏ trước tình hình cháy rừng đang lan nhanh tại các khu vực Maule và O´Higgins, ở miền Trung nước này, sau nhiều ngày không khí nóng hành hoành tại nước này.
Văn phòng Khẩn cấp quốc gia (Onemi) cho biết lửa đã thiêu rụi 200ha rừng ở Maule và đe dọa an toàn cuộc sống của người dân cũng như những đàn gia súc ở khu vực này. Lực lượng chữa cháy rừng quốc gia (Conaf) và Lực lượng cảnh vệ, với sự trợ giúp của máy bay trực thăng, đang nỗ lực khống chế các đám cháy.
Tại khu vực Melipilla, gần thủ đô Santiago, các đám cháy bùng phát từ hôm 20/12 cũng đã thiêu rụi 60ha rừng.
Tại Colombia, cảnh báo cháy rừng cấp độ cao nhất cũng đã được ban bố tại 25 trên tổng số 32 bang sau nhiều ngày nắng nóng bất thường do hiện tượng khí hậu El Niño gây ra. Nhiều vụ cháy rừng đã xuất hiện và tàn phá hơn 300ha.
Nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng thời tiết cực đoan tại Nam Mỹ là do nạn phá rừng gây nên. Tại các nước như Argentina, Brazil và Paraguay, diện tích bao phủ rừng đang giảm đi đáng kể.
Tại Argentina, trong giai đoạn 2007-2014, 2 triệu ha rừng đã bị phá. Còn tại Brazil, việc chặt cây bất hợp pháp và tàn phá rừng Amazon đã tăng 16% trong năm qua. Đây là một thất bại của Chính phủ Brazil trong nỗ lực thực hiện mục tiêu chấm dứt nạn chặt phá khu rừng lớn nhất thế giới vào năm 2030.
Theo Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF), hiện tại diện tích rừng Amazon bị phá tương đương với 4.500 sân vận động bóng đá, với tốc độ tương đương 3 sân vận động/phút./.