Khủng hoảng chính trị tại Slovakia chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Hàng chục nghìn người dân Slovakia đã đổ xuống đường phố ở thủ đô Bratislava, tham gia cuộc biểu tình lớn đòi tiến hành bầu cử sớm và giải tán đảng Dân chủ Xã hội.
Khủng hoảng chính trị tại Slovakia chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ảnh 1Thủ tướng Slovakia, ông Peter Pellegrini. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 15/4, hàng chục nghìn người dân Slovakia đã đổ xuống đường phố ở thủ đô Bratislava, tham gia cuộc biểu tình lớn đòi tiến hành bầu cử sớm, giải tán đảng Dân chủ Xã hội (Smer) - đảng mạnh nhất trong liên minh cầm quyền - và yêu cầu sa thải người đứng đầu lực lượng cảnh sát, ông Tibor Gaspar.

Quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) có 5,4 triệu dân này đã rơi vào khủng hoảng sau vụ nhà báo Jan Kuciak bị sát hại trong khi đang thực hiện loạt phóng sự điều tra về mối quan hệ giữa các quan chức cấp cao của Slovakia và mafia Italy.

Cảnh sát cho rằng cái chết của nhà báo 27 tuổi này nhiều khả năng liên quan tới công tác điều tra tham nhũng của anh.

[Tổng thống Slovakia bổ nhiệm ông Peter Pellegrini làm Thủ tướng mới]

Cái chết của Kuciak và bài báo của anh đã làm dấy lên làn sóng biểu tình rầm rộ ở thủ đô Bratislava và nhiều thành phố khác trên khắp Slovakia, phản đối chính phủ và đòi tiến hành điều tra độc lập về vụ sát hại này.

Trước sức ép của dư luận, Thủ tướng Robert Fico buộc phải tuyên bố từ chức sau 10 năm điều hành chính phủ. Tuy nhiên, sự "xuống thang" này vẫn chưa thể làm hài lòng dân chúng Slovakia, khi nội các của Thủ tướng mới được bổ nhiệm Peter Pellegrini vẫn bao gồm hầu hết các gương mặt cũ trong chính phủ trước đó của ông Fico.

Giới phân tích cho rằng ông Fico sẽ vẫn tiếp tục vai trò lãnh đạo từ "sau cánh gà" khi ông vẫn là Chủ tịch đảng Smer.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Tomas Drucker, trong những tuần tới, bộ này sẽ đưa ra quyết định về việc có sa thải người đứng đầu lực lượng cảnh sát - ông Tibor Gaspar - hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.