Vấn đề người di cư: Hà Lan mở trung tâm tiếp nhận người tị nạn

Khủng hoảng di cư: Hà Lan mở trung tâm tiếp nhận người tị nạn

Hà Lan đang chuẩn bị xây dựng một trung tâm tị nạn tạm thời tại thị trấn Nimegen, phía Đông Hà Lan, giáp ranh với Đức, nhằm tạo chỗ ở cho khoảng 3.000 người.
Khủng hoảng di cư: Hà Lan mở trung tâm tiếp nhận người tị nạn ảnh 1Dòng người tị nạn tại khu vực kiểm soát ở biên giới Áo- Hungary, gần Nickeldorf ngày 14/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong lúc nhiều nước châu Âu thắt chặt các biện pháp an ninh để ngăn chặn dòng người di cư liên tục tràn qua khu vực biên giới của lục địa già, ngày 16/9, nhà chức trách Hà Lan thông báo nước này đang chuẩn bị xây dựng một trung tâm tị nạn tạm thời tại thị trấn Nimegen, phía Đông Hà Lan, giáp ranh với Đức, nhằm tạo chỗ ở cho khoảng 3.000 người.

Hiện ông Gerard Bakker, người đứng đầu tổ chức liên chính phủ chịu trách nhiệm giám sát trung tâm trên, đang thảo luận với khoảng 400 đại diện các cấp chính quyền địa phương để đưa ra cách thức hỗ trợ người tị nạn.

Không giống như Hungary, Hy Lạp hay Đức, Hà Lan hiện vẫn chưa bị tác động quá lớn bởi cuộc khủng hoảng người di cư được coi là lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới 2.

Mặc dù vậy, số lượng người xin tị nạn tại nước này cũng đang gia tăng mạnh sau khi một số thành phố thông báo bắt đầu tiếp nhận người tị nạn.

Thủ đô Amsterdam cam kết tạo chỗ ở cho 1.500 người di cư, thành phố Utrecht nhất trí tiếp nhận 500 người.

Bên cạnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hồi tuần trước về việc 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) nên cùng nhau chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận 120.000 người xin tị nạn đang tạm trú tại Hungary, Hy Lạp và Italy, nhà chức trách Hà Lan dự kiến sẽ tiếp nhận 7.000 người.

Chính phủ Hà Lan cũng khẳng định không phản đối hạn ngạch phân bổ người di cư, song kêu gọi các nước cần có cách tiếp cận thống nhất nếu đạt được một thỏa thuận chung.

Thị trấn Nimegen sẽ là trung tâm tiếp nhận tị nạn lớn nhất tính tới thời điểm hiện nay ở Hà Lan và đây sẽ là ngôi nhà chung cho những người di cư đang chờ được xét duyệt đơn xin tị nạn.

Những người ở trung tâm này sẽ được hưởng đầy đủ hệ thống điện, nước, vệ sinh, cũng như có thể kết nối mạng internet.

Cùng ngày, chính quyền vùng Lombardy, miền Bắc Italy, đã thông qua quy định mới cho phép xử phạt các chủ khách sạn trong vùng cung cấp nơi ở cho người di cư bất hợp pháp tới đây trong thời gian qua.

Theo đó, những người vi phạm sẽ bị chính quyền địa phương tước giấy phép kinh doanh.

Động thái này là dấu hiệu căng thẳng mới nhất giữa một số vùng ở Italy chịu ảnh hưởng từ các đảng theo đường lối cực hữu với chính phủ cầm quyền theo đường lối trung tả về việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư tại các trung tâm và cơ sở tị nạn tạm thời trên toàn đất nước.

Trong khi đó tại Australia, một nghị sỹ trong Liên đảng Tự do quốc gia cầm quyền đã kêu gọi chính phủ nên đưa số người tị nạn Syria mà nước này sẽ tiếp nhận về các vùng nông thông để tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp và tăng dân số cho vùng nông thôn.

Bà Michelle Landry, thuộc đảng Dân tộc và đại diện cho khu vực bầu cử Capricornia thuộc Queensland cho biết chính phủ nên xem xét giải quyết cho 12.000 người tị nạn Syria đến Australia trước Lễ Giáng Sinh và đưa một phần trong số họ xuống các vùng nông thôn để sản xuất nông nghiệp.

Theo bà Landry, hiện nay những việc làm mà nhiều người dân Australia “không thích làm” chẳng hạn như thu hoạch trái cây, chăn nuôi gia xúc sẽ là những công việc phù hợp cho những người tị nạn Syria.

Như thế, chính phủ vừa giúp họ việc làm để ổn định cuộc sống, vừa lấp khoảng trống thiếu hụt lao động và tăng dân số cho các vùng nông thôn.

Chính phủ Australia hiện đang xem xét lựa chọn khu vực định cư cho người tị nạn Syria, tham khảo ý kiến của các bang và chính quyền địa phương.

Lâu nay, người tị nạn Syria thường được bố trí định cư tại thành phố Sydney và Melbourne, vì hai nơi này đã hình thành cộng đồng người Syria sinh sống./.

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.