Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có phù hợp ở Đông Nam Á?

Dư luận quốc tế cho rằng tần suất cao số chuyến thăm của các quan chức cấp cao Mỹ đủ để chứng minh rằng “Đông Nam Á là ‘chiến trường’ trọng yếu để Mỹ đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.”
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thời báo Hoàn cầu đã đăng bài viết của Phó Giám đốc Học viện ASEAN thuộc trường Đại học Quốc gia Quảng Tây và là nhà nghiên cứu cấp cao tại cơ quan nghiên cứu Dongbo Cát Hồng Lượng, cho biết Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink phụ trách vấn đề Đông Á hiện đang có chuyến công du thăm 4 nước Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Dư luận quốc tế cho rằng tần suất cao số chuyến thăm của các quan chức cấp cao Mỹ đủ để chứng minh rằng “Đông Nam Á là ‘chiến trường’ trọng yếu để Mỹ đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.”

Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Phó Tổng thống Kamala Harris và Tổng thống Biden đã liên tiếp đến thăm hoặc liên lạc trực tuyến với các nước Đông Nam Á. Động thái này cho thấy Washington rõ ràng đang đẩy nhanh các chính sách “trở lại” Đông Nam Á.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nhau và đang tiếp tục tăng cường quan hệ kinh tế, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng biết rằng họ thiếu sự ràng buộc kinh tế mạnh mẽ với khu vực Đông Nam Á, vì vậy Mỹ hy vọng sẽ đưa Đông Nam Á vào “bản đồ” ảnh hưởng kinh tế toàn cầu của nước này thông qua việc tạo ra một “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" mới.

Những trọng điểm của "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương"

"Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" có thể bắt nguồn từ "Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới" của chính quyền ông Biden, từng được bà Harris đề cập khi bà đến thăm Đông Nam Á hồi tháng Tám vừa qua. Khuôn khổ này liên quan đến các chủ đề kinh tế như chuỗi cung ứng toàn cầu.

Vào cuối tháng 10, mặc dù không nêu ra chính sách thương mại một cách rõ ràng, nhưng chính quyền ông Biden đã công bố kế hoạch phân bổ lên tới 102 triệu USD để mở rộng quan hệ kinh tế giữa Mỹ và ASEAN trước thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN.

[Mục đích cơ cấu kinh tế mới của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Sau khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raymondo thăm Đông Nam Á, chính sách kinh tế khu vực của chính quyền ông Biden là "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" đã dần lộ diện và Mỹ dự định sẽ bắt đầu các thủ tục chính thức vào năm tới.

Một phần quan trọng trong chuyến thăm lần này của Trợ lý Daniel Kritenbrink là nhằm tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á thông qua "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."

Mặc dù “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” vẫn chưa được khởi động, và vẫn chưa có thêm chi tiết nào về khuôn khổ này, nhưng đã có những dấu hiệu ít nhiều tiết lộ tâm điểm của sự chú ý hoặc nội dung bao hàm.

Thứ nhất, rõ ràng "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" không phải là bản sao của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay có nghĩa là Mỹ sẽ tái gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thứ hai, nội dung được đề cập trong "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" sẽ tập trung vào tạo tiện lợi hóa thương mại, nền kinh tế số và tiêu chuẩn kỹ thuật, tính linh hoạt của chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và carbon thấp, cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn lao động và các lĩnh vực khác.

Trong số đó, các vấn đề chính như nền kinh tế số, tiêu chuẩn kỹ thuật và chuỗi cung ứng có thể trở thành bản chất của điều mà Bộ trưởng Raymondo từng nói, đó là "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" sẽ vượt ra ngoài TPP hay CPTPP.

Hiện tại, Mỹ đã hình thành các thỏa thuận với các nước trong khu vực như Malaysia tạo dựng chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực kinh tế mới như chất bán dẫn.

Thứ ba, "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" có thể dựa chủ yếu vào các kênh song phương. Trọng điểm của khuôn khổ này không phải là Khu vực thương mại tự do Mỹ-ASEAN, mà là từng quốc gia liên quan ở Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia có hình thái kinh tế mới tương đối hoàn thiện như Singapore, Malaysia, và Thái Lan.

Mỹ đã thông qua chính sách "Mỗi quốc gia một chính sách” để tiến hành các cuộc tham vấn song phương và hình thành thỏa thuận hợp tác kinh tế.

Theo quan điểm này, chìa khóa cho "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" mới của chính quyền ông Biden nằm ở nội dung mới và các lĩnh vực liên quan mới, nhưng số lượng hình thức thực hiện không phải là mới.

Một mặt, “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” sẽ kế thừa di sản của chính quyền ông Trump ở một mức độ lớn. Với mục tiêu “Nước Mỹ trên hết,” Mỹ sẽ “tấn công” từng nước một thông qua phương thức song phương "Mỗi quốc gia một chính sách,” đồng thời tạo dựng một khuôn khổ mang tính kết cấu mà trong đó Mỹ chủ đạo chuỗi cung ứng trong lĩnh vực kinh tế mới.

Mặt khác, "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" sẽ khôi phục ở mức độ lớn các thuộc tính khép kín và đối đầu vốn có của các cấu trúc an ninh và chiến lược khu vực như Nhóm Bộ tứ và cơ chế liên minh ba bên Mỹ- Anh-Australia (AUKUS)."

… có thật sự phù hợp với khu vực Đông Nam Á hay không?

“Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” nhấn mạnh rõ ràng các vấn đề "quan ngại của các nước thứ ba," vì vậy về bản chất, đây là sự thể hiện "chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" của chính quyền ông Biden trong lĩnh vực kinh tế và sẽ phục vụ vào khuôn khổ chung chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc của Mỹ.

Trong các lĩnh vực có độ chính xác cao như nền kinh tế mới, việc xây dựng một cấu trúc chuỗi cung ứng khép kín và đối đầu sẽ là ưu tiên hàng đầu của "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."

Tuy nhiên, đối với các nước Đông Nam Á, họ không chỉ lo lắng về việc liệu Mỹ có thực sự có một "chiến lược kinh tế" khả thi hay không, mà họ còn lo ngại về việc chính quyền Tổng thống Biden đang bận rộn với việc "xây dựng lại một nước Mỹ tốt đẹp hơn."

Ngoài ra, một "vòng tròn nhỏ" kinh tế khép kín và đối đầu về cơ bản là trái ngược với sự cởi mở, đa phương hóa và tự do mà ASEAN theo đuổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục