Kiểm soát tải trọng và giám sát hành trình, giảm tử vong do tai nạn giao thông

Thời gian qua, Cảnh sát Giao thông đã tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện và giám sát hành trình, nhờ đó tình trạng xe chở quá tải, vi phạm kích thước thùng hàng tiếp tục được kiểm soát tốt.
Lực lượng chức năng điều tiết phương tiện vào khu vực cân kiểm tra tải trọng. (Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN)

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an, nhất là Cảnh sát Giao thông các cấp, đã có nhiều giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, góp phần kéo giảm số người tử vong do tai nạn giao thông so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể là giảm 634 người tử vong (10,61%).

Quyết liệt kiểm soát tải trọng

Thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, đây là cách làm của lực lượng Cảnh sát Giao thông thời gian qua, nhờ đó, tình trạng xe chở hàng quá tải, vi phạm kích thước thùng hàng tiếp tục được kiểm soát tốt, được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ hàng, chủ xe và lái xe.

Các địa phương đã duy trì tốt công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường.

Trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng Cảnh sát Giao thông và Công an các địa phương đã kiểm tra xử lý 30.762 trường hợp chở hàng quá tải trọng (chiếm 1,22% tổng số hành vi vi phạm bị xử lý).

Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát tải trọng phương tiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32/CT-TTg và Chỉ thị số 03/CT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc tăng cường kiểm soát tải trọng xe.

Trên lĩnh vực đường bộ, trong 6 tháng đầu năm nay, các Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và lực lượng Thanh tra giao thông đã sử dụng cân xách tay kiểm tra gần 22.900 phương tiện, qua đó phát hiện 2.676 xe vi phạm, tước 759 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 48,7 tỷ đồng.

Trên lĩnh vực đường sắt, đã có 68 cuộc kiểm tra về tải trọng xe chở hàng được tiến hành tại các ga có xếp dỡ hàng hóa và chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm xếp hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép.

Lực lượng chức năng kiểm tra và vận động người dân không cơi nới thùng hàng, không chở quá tải để đảm bảo an toàn giao thông. (Ảnh: Hoài Nam/TTXVN)

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, Cục Hàng hải Việt Nam đã chủ trì thực hiện 681 cuộc kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông đường bộ tại các cảng biển, phối hợp với Thanh tra giao thông thực hiện 9 cuộc kiểm tra kiểm soát tải trọng. Kết quả không phát hiện phương tiện chở hàng vượt quá trọng tải cho phép tham gia giao thông.

Khai thác hiệu quả hệ thống giám sát hành trình

Theo ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai 5 nội dung thanh tra, kiểm tra liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gồm kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; quản lý, kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu thuyền; kinh doanh vận tải bằng xe ôtô và khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ của 15 Sở Giao thông Vận tải tỉnh.

Các Cục quản lý chuyên ngành và Thanh tra các Sở Giao thông Vận tải đã thực hiện gần 23.400 cuộc thanh tra, kiểm tra trong giai đoạn từ ngày 15/12/2023 đến ngày 18/6/2024, qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính trên 11.300 vụ với số tiền xử phạt trên 64,4 tỷ đồng; tạm giữ 20 ôtô; đình chỉ hoạt động 11 bến và 137 phương tiện thủy nội địa.

Đồng thời, giám sát 361 kỳ sát hạch lái xe ôtô và 400 kỳ sát hạch lái xe môtô. Tính đến nay, cả nước có trên 900.000 phương tiện thuộc diện phải lắp thiết bị giám sát hành trình truyền dữ liệu về Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Theo số liệu thống kê, từ đầu tháng Một đến ngày 20/6, các Sở Giao thông Vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu của trên 18 nghìn phương tiện (đối với các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5 lần/1000km trở lên), chấn chỉnh, nhắc nhở hơn 189 nghìn phương tiện có vi phạm quá tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu.

Con số thống kê từ Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy từ khi triển khai hệ thống thiết bị giám sát hành trình đến nay, số phương tiện bị xử lý vi phạm thông qua trích xuất dữ liệu từ hệ thống tăng lên hàng năm. Nếu như năm 2015, số phương tiện bị xử lý thu hồi phù hiệu mới có gần 5.700 phương tiện, năm 2016 đã xử lý vi phạm đối với 11.360 phương tiện (trong đó thu hồi phù hiệu, đình chỉ khai thác tuyến với thời hạn 1 tháng là 9.800 xe; từ chối cấp phù hiệu 1.550 xe), thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải 10 đơn vị.

Đến năm 2022, các Sở Giao thông Vận tải đã thực hiện xử lý thu hồi phù hiệu của 24.600 phương tiện vi phạm quá tốc độ từ 5 lần/1000km xe chạy trở lên, ban hành văn bản chấn chỉnh nhắc nhở đối với 148.800 lượt phương tiện có vi phạm quá tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe.

Năm 2023, theo báo cáo, các Sở Giao thông Vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với 41.600 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1000km trở lên; thực hiện chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 483.000 phương tiện.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã ký thông báo thu hồi phù hiệu của ôtô kinh doanh vi phạm tốc độ. (Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN)

Để bảo đảm bình yên trên mỗi cung đường, Bộ Công an đã chỉ đạo Cảnh sát Giao thông, Công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông. Trong đó, trên đường bộ, Cảnh sát Giao thông tiếp tục xử lý vi phạm theo 5 nhóm chuyên đề: "Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn;" "kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, nhất là xe chở học sinh, công nhân viên, xe hợp đồng; phương tiện vận tải hàng hóa, xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm;" "cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ;" "vi phạm tốc độ;" "sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện."

Cảnh sát Giao thông tập trung kiểm soát, xử lý quyết liệt vi phạm nồng độ cồn, để làm giảm tai nạn giao thông, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu, bia không lái xe."

Cảnh sát Giao thông kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về quy tắc giao thông tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; vi phạm các quy định về bảo đảm an ninh, trật tự, vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường sắt; nhân viên đường sắt vi phạm quy trình tác nghiệp, sử dụng rượu, bia khi thực thi nhiệm vụ.

Các vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm, an toàn kỹ thuật, hoán cải, sửa chữa phương tiện, hoạt động của thuyền viên, người lái phương tiện, chủ phương tiện, quản lý, khai thác cảng, bến thủy… được tập trung xử lý.

Theo số liệu từ Bộ Công an, từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát Giao thông đã kiểm tra, xử lý tới hơn 2,13 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ, đường sắt và đường thủy, phạt tiền 4.052,2 tỷ đồng, tước 407.700 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ 715.400 phương tiện các loại.

So với cùng kỳ năm 2023, số phương tiện vi phạm bị xử lý tăng gần 450.700 trường hợp (26,74%), số tiền phạt tăng 800,4 tỷ đồng (24,61%). Trong đó đáng chú ý là vi phạm nồng độ cồn chiếm nhiều nhất, với 501.400 trường hợp, tiếp đến là vi phạm chạy quá tốc độ cho phép 501.000 trường hợp. Có 30.700 trường hợp chở hàng quá tải; 15.800 trường hợp chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; 2.900 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy...

"Tình hình trật tự, an toàn giao thông trong 6 tháng đầu năm nay về cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông được kéo giảm về số người chết, ùn tắc giao thông được kiểm soát tốt và giảm trên 65% so với cùng kỳ năm ngoái; số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước.

Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe, vi phạm về cơi nới thành thùng xe đã được xử lý một cách căn bản," ông Lê Kim Thành đánh giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục