Trong bài viết đăng tải trên trang Diễn đàn Chính sách (Policy Forum) của Australia, luật sư chuyên về tài chính và ngân hàng tại Công ty tư vấn Ginting & Reksodiputro của Indonesia Luther Lie nhận định rằng trong vài tháng qua, thế giới đã chứng kiến sự "bùng nổ" đầu tư vào các loại tiền điện tử, vốn nổi tiếng là "dễ bay hơi", gây ra tình trạng biến dạng trên thị trường tài chính.
Sức hấp dẫn của tiền điện tử
Gần đây nhất, đồng Dogecoin, một loại tiền điện tử lấy ý tưởng từ bức họa châm biếm hình con chó giống shiba với khuôn mặt ngơ ngác, được tạo bởi kỹ sư máy tính Billy Markus và chuyên gia marketing của Adobe Jackson Palmer để phê phán cơn sốt Bitcoin hồi năm 2013.
Cơn sốt của các nhà đầu tư khiến đồng Dogecoin đạt mức đỉnh 0,73 USD hồi đầu tháng Năm, tăng 13.000% so với đầu năm và biến đồng tiền này trở thành loại tiền ảo lớn thứ tư thế giới với giá trị vốn hóa thị trường gần 70 tỷ USD.
Tương tự, Bitcoin, "vua" của các loại tiền điện tử, cũng đã chứng kiến sự tăng giá "ngoạn mục," từ khoảng 10.000 USD vào tháng 9/2020 lên mức cao nhất là 63.000 USD vào giữa tháng Tư.
Tuy nhiên, đồng tiền này gần đây đã giảm 50% chỉ trong vài tuần, trở lại ngưỡng 37.000 USD, do sự giám sát chặt chẽ hơn về mặt pháp lý ở Trung Quốc và sau lời chỉ trích của người sáng lập Tesla, Elon Musk, về chi phí năng lượng cao của đồng Bitcoin.
Tiền điện tử ẩn chứa nhiều rủi ro
Tác giả cho rằng biến động không giới hạn biên độ của tiền điện tử là rủi ro lớn nhất đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đó không phải là rủi ro duy nhất. Trong thế giới tiền điện tử, vấn đề gian lận hay lừa đảo đã trở thành một rủi ro lớn không kém.
Gần đây nhất, vụ việc sàn giao dịch tiền điện tử có trụ sở tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ Thodex bất ngờ đóng cửa đã khiến các nhà đầu tư được cho là "mất trắng" 2 tỷ USD.
Điều này đặt ra câu hỏi làm thế nào các cơ quan tài chính lại cho phép tiền điện tử tạo ra những tác động lớn đến thị trường tài chính như vậy?
[Đồng tiền kỹ thuật số bitcoin tăng mạnh về gần ngưỡng 40.000 USD]
Tiền điện tử là một loại tiền kỹ thuật số, riêng tư và một phần ẩn danh. Tiền điện tử được "đào" bởi các loại máy tính công suất cao thông qua việc giải các phương trình toán học phức tạp.
Sau khi được "đào" lên, các mã hóa (code) của tiền điện tử được chuyển định dạng và lưu trữ dưới dạng tệp (file) trong một "ví tiền" mã hóa. Rất nhiều loại tiền điện tử khác nhau được lưu trữ trên một mạng phi tập trung được gọi là chuỗi khối (blockchain).
Chuỗi công nghệ khối này được ca ngợi là phương tiện trao đổi trong tương lai, do các doanh nghiệp tư nhân phát hành nhằm mục đích chống lại sự độc quyền của các ngân hàng trung ương về nguồn cung tiền.
Blockchain không gắn với bất kỳ một loại tiền tệ nào trong thế giới thực và người dùng có thể giao dịch trực tiếp với nhau mà không cần qua trung gian (ngân hàng hay các tổ chức tài chính).
Điều đó có nghĩa là giá trị của các đồng tiền điện tử được xác định chủ yếu bởi cung và cầu, khiến cho chúng hoạt động giống như một loại hàng hóa, thay vì được sử dụng chủ yếu làm phương tiện thanh toán cho các giao dịch giống như tiền tệ truyền thống.
Bitcoin là đồng tiền điện tử đầu tiên được tạo ra trên thế giới, do một kỹ sư máy tính người Nhật Bản Satoshi Nakamoto sáng chế, lấy cảm hứng từ một bài báo về ‘b-money’ được viết vào năm 1998 bởi nhà khoa học máy tính Wei Dai của Đại học Washington (Mỹ).
Ý tưởng của ông Dai nhằm tạo ra một phương tiên trao đổi, trong đó sự can thiệp của chính phủ "không bị hủy hoại tạm thời nhưng bị cấm vĩnh viễn và vĩnh viễn không cần thiết." 10 năm sau, Nakamoto đã hiện thực hóa ý tưởng này và tạo ra đồng Bitcoin.
Mặc dù là một sản phẩm tài chính nhưng tiền điện tử hầu như không chịu sự quản lý của các quy định và bất kỳ nhà chức trách nào. Điều này trái ngược hoàn toàn với bản chất được quản lý chặt chẽ đối với thị trường tài chính của các loại tiền tệ, hàng hóa và cổ phiếu truyền thống.
Sự vào cuộc của các cơ quan quản lý
Đầu năm nay, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết, ECB đang xem xét ban hành các quy định đối với tiền điện tử. Bà Lagarde đưa ra những lo ngại tương tự như những gì mà Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã đề cập.
Mới đây nhất, Ủy ban Basel, liên hiệp các cơ quan giám sát nghiệp vụ ngân hàng của 12 quốc gia công nghiệp lớn, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và ECB, đã phát hành một báo cáo khẳng định ngành ngân hàng đang phải đối mặt với rủi ro gia tăng từ các loại tiền điện tử vì tiềm năng rửa tiền, những thách thức về uy tín và sự biến động mạnh về giá có thể dẫn đến tình trạng vỡ nợ.
Báo cáo của Ủy ban Basel viết: "Sự phát triển của các loại tiền điện tử và các dịch vụ liên quan có khả năng gây ra những lo ngại về ổn định tài chính và gia tăng rủi ro mà các ngân hàng phải đối mặt."
Mặc dù, ngày càng nhiều cơ quan, những nhà quản lý và giới chuyên gia bày tỏ mong muốn ban hành các quy định nhằm quản lý tiền điện tử, nhưng cho đến nay rất ít tiến bộ đã đạt được.
Vì sao nên quản lý tiền điện tử
Theo tác giả, một số ý kiến lo ngại việc tiền điện tử bị quản lý sẽ dẫn đến việc phát sinh chi phí giao dịch. Với bản chất trao đổi trực tiếp không qua khâu trung gian, tiền điện tử hiện "né" được các loại phí giao dịch.
Trong khi tiền tệ và cổ phiếu trong thế giới thực, vốn được quản lý chặt chẽ, đều phải gánh một khoản phí khi thực hiện giao dịch do các ngân hàng hoặc các nhà môi giới thu giữ. Một mối quan tâm khác được nhắc tới là việc thiết lập quy định đối với tiền điện tử sẽ gây ra ảnh hưởng tới giá trị của những đồng tiền này.
Không giống như tiền tệ trong thế giới thực, tiền điện tử không thể bị phá giá bởi các ngân hàng trung ương và một số người coi đó là yếu tố quan trọng nhất cho quyết định nắm giữ tiền điện tử.
Đây là những mối quan tâm hợp lý. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tiền điện tử nên hoàn toàn được "thả nổi". Tiền điện tử ngày nay được rất nhiều nhà đầu tư cá nhân sở hữu. Gần 20% người dân Australia tham gia một cuộc khảo sát về tiền điện tử cho biết họ có sở hữu loại tiền tệ này và 36% các nhà đầu tư tổ chức ở Mỹ và châu Âu cũng xác nhận họ sở hữu tiền điện tử.
Giống như bất kỳ sản phẩm tài chính nào khác, các cơ quan quản lý phải bảo vệ người dân, những người thường không có đủ lượng kiến thức tài chính phức tạp để phân tích các thị trường và đưa ra những quyết định sáng suốt nhất. Vì vậy, họ sẽ đối mặt với nguy cơ bị mất một khoảng tiền lớn do dự đoán đầu tư sai lầm, tiếp nhận thông tin sai lệch hoặc đưa ra các đánh giá cá nhân không chính xác.
Trong cuộc khảo sát được thực hiện ở Australia, nhiều người cho biết họ bắt đầu sở hữu tiền điện tử vào năm ngoái và hơn 20% đã bị mất tiền đầu tư do thua lỗ. Làn sóng phá sản cá nhân kéo theo một lượng lớn người mất tiền tiết kiệm "đổ" vào tiền điện tử, tương tự như hiện tượng "quá lớn để có thể sụp đổ" (khái niệm mô tả tình trạng trong đó chính phủ sẽ can thiệp vào những tình huống mà sự sụp đổ của một doanh nghiệp sẽ là thảm họa đối với nền kinh tế nói chung), có thể làm tê liệt nền kinh tế của một quốc gia. Trong trường hợp như vậy, các gói cứu trợ của chính phủ sẽ là cần thiết để cứu nền kinh tế.
Phản ứng của chính phủ đối với sự cố Thodex cho thấy điểm yếu của một sàn giao dịch tiền điện tử không được kiểm soát. Mặc dù ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã cấm sử dụng tiền điện tử, nhưng tiền của các nhà đầu tư bị mất sẽ không thể được bù đắp. Trong bối cảnh chính phủ ban hành lệnh cấm, một sàn giao dịch tiền điện tử thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ Vebitcoin cũng đã sụp đổ.
Tiền điện tử rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực từ bên ngoài. Mặc dù tiền điện tử được mặc định là khó khai thác và không chịu sự can thiệp từ các ngân hàng trung ương hay tổ chức tài chính trung gian, nhưng nguồn cung tiền điện tử vốn dĩ không hề bị trì trệ.
Không giống như các loại tiền tệ trong thế giới thực, việc sản xuất tiền điện tử không được kiểm soát bởi một nhà sản xuất trung tâm. Bằng cách độc quyền khai thác tài nguyên tiền điện tử, các doanh nghiệp tư nhân phát hành tiền điện tử có thể tùy ý "kiểm soát" cung và cầu để gây ảnh hưởng đến giá trị của chúng.
Xem xét những điểm yếu này của tiền điện tử, việc cần sớm ban hành các quy định là hợp lý. Những khoảng lợi nhuận khổng lồ do tiền điện tử mang lại có thể thu hút các nhà đầu tư đại chúng, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Nhưng thực tế là các khoản lợi nhuận này đến từ một thị trường không được kiểm soát, đồng nghĩa với việc sẽ luôn có những người thua lớn trong một trò chơi, với cái giá phải trả dành cho tất cả mọi người.
Các chính phủ không nên cho phép hệ thống tài chính được xem như là một sân chơi cá cược, nơi mà các nhà đầu tư tham gia với thái độ "được ăn cả, ngã về không". Một sản phẩm tài chính như tiền điện tử có thể gây ảnh hưởng đến tài sản tiền tệ của các nhà đầu tư đại chúng và nếu việc đầu tư thất bại, điều này sẽ không chỉ đe dọa sinh kế của các nhà đầu tư mà còn có khả năng gây rủi ro cho các nền kinh tế quốc gia./.