Kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ em và người trưởng thành

Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 7,4% (9,8% ở thành thị, 5,3% ở nông thôn) và 19% ở trẻ em lứa tuổi học sinh; tỷ lệ người trưởng thành thừa cân béo phì là 19% vào năm 2020.
Tỷ lệ béo phì ở trẻ em Việt Nam đang gia tăng nhanh. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Chiều 26/12, Viện Dinh dưỡng Quốc gia thuộc Bộ Y tế, tổ chức Hội nghị "Vận động đầu tư và tăng cường phối hợp liên ngành cho hoạt động của Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng 2024-2030 và tầm nhìn đến năm 2045."

Thông tin tại Hội thảo cho biết hiện nay nước ta đã cơ bản đạt được các mục tiêu về giảm tình trạng thiếu dinh dưỡng ở bà mẹ, trẻ em, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể là sự chênh lệch về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi giữa các vùng miền còn cao. Tình trạng thừa cân, béo phì - đặc biệt là ở trẻ em tuổi học đường và người dân ở khu vực thành thị tiếp tục tăng nhanh. Tỷ lệ phụ nữ có thai, trẻ dưới 5 tuổi và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn cao.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia, kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi (chiều cao/tuổi) đang giảm dần, từ 29,3% năm 2010 giảm xuống dưới 18,9% vào năm 2022. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ học đường (5-19 tuổi) vẫn còn ở mức 14,8%.

Khám tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao và cân nặng cho trẻ tại huyện Đăk Glong, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, khi tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi chênh lệch mạnh giữa các vùng miền. Theo đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ dưới 5 tuổi vùng miền núi phía Bắc là cao nhất (37,4%), sau đó là Tây nguyên (28,8%). Tỷ lệ thể thấp còi ở trẻ em là người dân tộc thiểu số (31,4%) vẫn cao gấp 2 lần so với nhóm trẻ em là người Kinh (15,0%). Tỷ lệ trẻ em là người dân tộc thiểu số nhẹ cân cũng lớn hơn gấp 2,5 lần (21% so với 8,5%) so với trẻ em là người Kinh.

Bên cạnh đó, là sự gia tăng nhanh chóng tình trạng thừa cân béo phì. Trong 10 năm, từ 2010-2020, tình trạng thừa cân, béo phì tăng vọt từ 8,5% lên 19%. Cụ thể, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 7,4% (9,8% ở thành thị, 5,3% ở nông thôn) và 19% ở trẻ em lứa tuổi học sinh. Tỷ lệ người trưởng thành thừa cân béo phì là 19% vào năm 2020.

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng (đặc biệt là tình trạng thiếu kẽm, thiếu máu) ở phụ nữ có thai, trẻ dưới 5 tuổi và phụ nữ tuổi sinh đẻ còn ở mức cao.

Cũng theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đến năm 2020, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam là 19,6%. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai và không có thai tương ứng là 25,6% và 16,2%. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 9,5%. Tỷ lệ thiếu kẽm đặc biệt rất cao ở trẻ dưới 5 tuổi là 58% năm 2020; phụ nữ có thai là 63,5%.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới, chỉ cần đầu tư 1 USD chi phí dinh dưỡng cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời thì tương lai sẽ thu lại được 18 USD; trẻ em được điều trị khỏi thấp còi có khả năng thoát khỏi đói nghèo tới 33% khi trưởng thành, góp phần cho tăng trưởng GDP quốc gia từ 3-10%.

Để thực hiện thành công các chỉ tiêu, mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng đến năm 2030 một cách bền vững, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục huy động các cấp các ngành, tổ chức quốc tế, xã hội và người dân đầu tư về cả về chính sách và nguồn lực nhằm thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cho dinh dưỡng; cần đưa dinh dưỡng vào luật phòng bệnh và được chi trả Bảo hiểm Y tế; xây dựng tiêu chuẩn chức danh dinh dưỡng tại cộng đồng; nhãn cảnh báo, thực thi hiệu quả các chính sách hiện có.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dinh dưỡng; tiếp tục giảm sự chênh lệch vùng miền, dân tộc về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi; cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng (đặc biệt là tình trạng thiếu kẽm, thiếu máu) ở phụ nữ có thai, trẻ dưới 5 tuổi và phụ nữ tuổi sinh đẻ.

Các đại biểu cũng cho rằng cần tập trung hơn nữa để kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì trẻ 5-19 tuổi và người trưởng thành vùng thành phố, thành thị... Đẩy mạnh hoạt động dinh dưỡng học đường, ngành nghề đặc thù, người cao tuổi, nữ vị thành niên, dinh dưỡng tiết chế bệnh viện. Cùng với đó, thực hiện nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về dinh dưỡng, thực phẩm phù hợp cho người Việt Nam; tăng cường phối hợp liên ngành cho hoạt động dinh dưỡng từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục