Vì sao ngày càng nhiều học sinh Việt Nam bị cong, vẹo cột sống?

Theo các bác sỹ, bệnh cong vẹo cột sống chưa nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể làm giảm hoặc mất khả năng học tập và sinh hoạt của trẻ em, tác động xấu đến tâm lý của trẻ.

Khám tầm soát bệnh vẹo cột sống cho trẻ em. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Khám tầm soát bệnh vẹo cột sống cho trẻ em. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Cột sống có vai trò hết sức quan trọng trong mọi hoạt động sống của con người. Nó tạo thành bộ khung nâng đỡ cơ thể, tạo cho con người có dáng đứng thẳng, bảo vệ tủy sống và các cơ quan nội tạng trong cơ thể.

Cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị nghiêng, lệch về một phía hoặc bị cong về phía trước hay phía sau, do đó không còn giữ được các đoạn cong sinh lý như bình thường vốn có.

Báo động tình trạng học sinh cong, vẹo cột sống

Một phụ huynh ở Hà Tĩnh cho biết nhận thấy bất thường trong dáng đi của con, gia đình đã đưa con trai học lớp 8 đến thăm khám tại Bệnh viện Phục hồi Chức năng của tỉnh. Kết quả kiểm tra và chụp chiếu cho thấy cậu bé bị cong vẹo cột sống.

Do mức độ cong vẹo cột sống của cậu bé chưa quá nặng nên ngoài việc thực hiện một số kỹ thuật nắn chỉnh, các bác sỹ đã tư vấn bài tập chỉnh hình tư thế sinh hoạt ở nhà để điều chỉnh cột sống cho cậu bé.

Một phụ huynh ở Yên Bái cho biết cách đây một năm, chị đi đưa con gái đi khám tổng thể tại Hà Nội thì phát hiện con bị cong vẹo cột sống. Con gái chị được chỉ định làm nẹp nắn chỉnh. Sau khi về nhà, con chị tiếp tục thực hiện các liệu trình điều trị, kết hợp các bài tập phục hồi chức năng và mặc áo nẹp cột sống để điều chỉnh tư thế.

"Nhờ tuân thủ liệu trình điều trị nên đến nay, độ cong vẹo cột sống của con tôi đã giảm, con tôi không còn cảm giác đau lưng và đau tức ngực, khó thở như trước," vị phụ huynh này chia sẻ.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai, trong đợt khám sàng lọc bốn bệnh tật học đường gần đây, hơn một nửa số học sinh thuộc 5 trường Tiểu học và Trung học Cơ sở tại các huyện Chư Păh, Chư Prông và Ia Pa có dấu hiệu cong vẹo cột sống.

ttxvn-veo-cot-song-2-2791.jpg
Học sinh được chẩn đoán cong, vẹo cột sống sau buổi khám sàng lọc bốn bệnh tật học đường. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Trong khi đó, báo cáo khám sức khỏe học sinh năm học 2019-2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tỷ lệ cong vẹo cột sống là 2,62%.

Nghiên cứu "Cong vẹo cột sống và một số yếu tố liên quan ở học sinh tiểu học dân tộc Khmer tại hai tỉnh Sóc Trăng và An Giang" của Tạp chí Y Học Việt Nam năm 2022 cho thấy tỷ lệ mắc cong vẹo cột sống ở học sinh tiểu học tại Việt Nam chiếm 1,3-36,33%. Học sinh khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa bị cong vẹo cột sống cao hơn khu vực thành thị.

Bệnh cong vẹo cột sống chưa nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể làm giảm hoặc mất khả năng học tập và sinh hoạt của trẻ.

Theo các bác sỹ, cong vẹo cột sống ở trường học thường phát sinh do sự sai lệch tư thế (ngồi học với bàn ghế không phù hợp với chiều cao của học sinh, mang cặp sách quá nặng về một bên tay, vai; chiếu sáng kém, bắt buộc học sinh phải cúi đầu khi đọc, viết hoặc học nghề); do các tư thế xấu (đi, đứng, ngồi không đúng tư thế); cường độ lao động không thích hợp với lứa tuổi...

Ngoài ra, cong vẹo cột sống còn có thể do trẻ mắc các bệnh liên quan đến cột sống, thể trạng học sinh kém do ít hoạt động thể thao, suy dinh dưỡng (còi xương) hoặc do ngồi, đi đứng quá sớm.

Cong vẹo cột sống mức nhẹ thường ít gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, cong vẹo cột sống có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sau này.

Cong vẹo cột sống là một trong những nguyên nhân gây ra chứng đau lưng; hạn chế vận động của hệ thống cơ xương. Trường hợp bệnh nặng có thể gây rối loạn tư thế, dị dạng thân hình, tác động xấu đến tâm lý của trẻ, hạn chế khả năng hòa nhập cộng đồng; ảnh hưởng đến chức năng của tim, phổi (giảm dung tích sống của phổi); gây biến dạng xương chậu, ảnh hưởng đến quá trình sinh đẻ của phụ nữ khi trưởng thành.

Các biện pháp phòng, chống cong vẹo cột sống

Trên thực tế, bàn ghế, chiếu sáng nơi học tập, cặp sách các em học sinh mang hằng ngày có thể là những yếu tố nguy cơ gây cong vẹo cột sống ở học sinh.

Để đảm bảo tư thế ngồi học đúng, nhà trường, gia đình cần trang bị bộ bàn ghế phù hợp với kích thước cơ thể học sinh. Đặc biệt, ngay từ khi mới đi học (mẫu giáo, tiểu học), thầy cô giáo, gia đình cần nhắc nhở để tạo thói quen ngồi đúng tư thế cho học sinh.

Khi ngồi, hai bàn chân được đặt ngay ngắn, vững chắc trên sàn, giữa cẳng chân và đùi tạo thành 1 góc tối ưu là 90 độ (dao động trong khoảng 75-105 độ), nên để cạnh trước của mặt ghế ăn sâu vào cạnh sau mặt bàn 4-6cm, lưng có thể tựa vào tựa lưng của ghế để tăng thêm điểm tựa, thân thẳng, đầu và cổ hơi ngả về phía trước, hai tay để ngay ngắn trên mặt bàn.

Nếu học sinh không có thói quen ngồi đúng tư thế từ khi mới đi học thì sau này rất khó sửa. Tư thế ngồi sai không chỉ gây ra tình trạng cong vẹo cột sống mà có thể dẫn đến những rối loạn cơ xương khác và nguy cơ mắc tật cận thị cao.

ttxvn-veo-cot-song-1-8146.jpg
Bác sỹ khám, tư vấn cho bệnh nhi cong vẹo cột sống. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Cùng với đó, học sinh không mang cặp quá nặng, trọng lượng cặp sách không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể. Cặp phải có 2 quai, khi sử dụng học sinh đeo đều hai vai, tránh đeo lệch về 1 phía.

Nhà trường và gia đình cần phối hợp giúp học sinh có một chế độ học tập và sinh hoạt hợp lý. Trong thời gian ở trường cũng như ở nhà, học sinh không nên ngồi học, xem tivi quá lâu, giữa các giờ học (khoảng 35-45 phút) học sinh phải có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để giảm gánh nặng thể chất, tăng cường hoạt động vận động ngoài trời.

Ngoài ra, gia đình và nhà trường cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý, tính đa dạng về giá trị dinh dưỡng của mỗi bữa ăn của học sinh, đặc biệt cần quan tâm đến các thực phẩm có nhiều canxi và vitamin D - các yếu tố tốt cho sự phát triển của xương.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo việc khám cong vẹo cột sống định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các trường hợp cong vẹo cột sống để có thể hướng xử trí kịp thời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục