Kiểm soát xã hội bằng công nghệ số - một thách thức trong tương lai

Trung Quốc sẽ triển khai hệ thống kiểm soát xã hội trên toàn quốc vào năm 2020 sau khi đã thử nghiệm tại hàng chục thành phố. Kiểm soát xã hội sẽ là một thách thức lớn trong những thập kỷ tới.
Kiểm soát xã hội bằng công nghệ số - một thách thức trong tương lai ảnh 1ATM nhận diện khuôn mặt. (Nguồn: cio.com.au)

Xuất phát từ công cụ chấm điểm tài chính của ngân hàng bình thường, Trung Quốc xây dựng một hệ thống mạnh để chấm điểm người dân.

Kiểm soát xã hội sẽ là một thách thức lớn trong những thập kỷ tới và không chỉ ở Trung Quốc.

Theo phân tích của báo Les Echos, trong tương lai không xa, có thể bạn sẽ không mua được vé tàu hoặc vé máy bay nếu như không chứng minh được bạn là người thực sự đang có nhu cầu.

Số vốn 1.000 điểm của bạn đã bị giảm nhiều. Bạn vi phạm quy định vì đã ăn một chiếc bánh sandwich trong tàu điện ngầm, đăng một tin giả trên Facebook, không trả đúng hạn tiền trả góp mua ôtô hoặc thậm chí theo một tôn giáo nào đó đang bị cấm.

Vậy mà điều này đã trở thành hiện thực trong cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc chứ không còn là vấn đề của tương lai nữa.

Trung Quốc không chỉ nổi tiếng về thành tựu ngoạn mục trong phát triển kinh tế mà còn về việc nhà cầm quyền muốn kiểm soát mọi thứ, từ việc cấm thả diều, chim bồ câu trên bầu trời Bắc Kinh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền, cho tới việc làm "biến mất" những người đối lập.

Trung Quốc sẽ triển khai hệ thống kiểm soát xã hội trên toàn quốc vào năm 2020 sau khi đã thử nghiệm tại hàng chục thành phố.

[Triều Tiên phát triển thành công công nghệ nhận diện khuôn mặt]

Đó là những gì mà các nhà độc tài trong quá khứ từng mơ ước. Hệ thống kiểm soát xã hội này đã vượt quá giới hạn của việc thử nghiệm.

Điều đó cho thấy đây có thể là một trong những tương lai của xã hội số. Theo nhận định của ông E.Prisque, nhà tư vấn mới xuất bản cuốn sách "Trung Quốc và thế giới," điều này cũng tương đồng với một số vấn đề xã hội nảy sinh ở các nước phương Tây.

Ban đầu, đây là một dự án kinh tế đơn thuần. Cách đây 20 năm, Trung Quốc chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Để trấn an các công ty nước ngoài, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một "hệ thống uy tín xã hội" áp dụng đối với các doanh nghiệp, sau đó là đối với cá nhân, dựa trên kỹ thuật "chấm điểm" của các ngân hàng phương Tây.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, xảy ra ở Mỹ do đánh giá không chính xác về những người vay "dưới chuẩn," đã dẫn tới việc Bắc Kinh nhận thấy cần phải đi xa hơn.

Do đó, hệ thống này đã thay đổi về bản chất, pha trộn giữa truyền thống Nho giáo - phát triển xã hội văn minh, công dân có đạo đức - và truyền thống lập pháp, chủ yếu là trừng phạt, khen thưởng và kiểm soát.

Trong một thời gian dài, việc kiểm soát được thực hiện tại các cộng đồng dân cư. Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, họ đã thành lập các ủy ban dân cư để kiểm soát xã hội.

Tuy nhiên, cơ chế này sau đó bị suy yếu bởi sự tăng trưởng kinh tế kéo theo làn sóng di dân ồ ạt từ nông thôn ra thành thị vào những năm cuối thế kỷ XX.

"Uy tín xã hội" là một cơ chế chuyển tiếp hoàn hảo. Ông E. Prisque giải thích: "Sự chấm điểm và đánh giá công dân đã tái cấu trúc xã hội tùy theo đức hạnh của mỗi người. Không phải thị trường quyết định địa vị, uy tín của con người trong xã hội mà là chính quyền."

Đó là bản chất thật sự của việc chính quyền sử dụng công nghệ kết hợp giữa dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.

Nếu như hiện nay hệ thống chính quyền nhận được thông tin từ cán bộ địa phương thu thập hay qua dữ liệu tài chính, trong tương lai các thông tin này sẽ được cung cấp từ camera nhận dạng khuôn mặt (dự kiến có 400 triệu camera năm 2020), từ phân tích tin nhắn trên mạng xã hội, mua sắm trên Internet, định vị địa lý, thông tin y tế...

Đây là nguyên nhân mà người Duy Ngô Nhĩ bị đàn áp gắt gao do bị theo dõi qua điện thoại di động và Internet.

Chính quyền tỉnh Tân Cương thậm chí còn lập hẳn một hệ thống dữ liệu sinh học ADN để kiểm soát người dân.

Trí tưởng tượng là điểm yếu duy nhất từ khía cạnh thưởng-phạt. Với điểm số cao, người dân có thể dễ dàng được vay tiền, đăng ký cho con học ở trường tư, được làm công chức, được ưu tiên khám trước khi vào bệnh viện.

Sự tồn tại của mỗi người, mỗi công ty... sẽ bị điều chỉnh bởi sự "xếp hạng" theo các tiêu chí của chính quyền.

Các công cụ tương tự đã xuất hiện ở nhiều nơi khác trên thế giới. Việc chấm điểm được thực hiện qua một loạt ứng dụng như eBay, BlaBlaCar hoặc Uber.

Cách đây sáu năm tại Mỹ, Edward Snowden đã tiết lộ Cơ quan An ninh Quốc gia đã đánh cắp hàng tỷ thư điện tử và nghe lén các cuộc gọi điện thoại trên khắp thế giới.

Bằng cách mở rộng không gian mạng, những "gã khổng lồ" kỹ thuật số tư nhân đang thu thập ngày càng nhiều dữ liệu về khách hàng của họ.

Liên minh châu Âu (EU) quan tâm hơn tới việc tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân, chính vì vậy kể từ năm 2018 đã bắt đầu thực hiện Quy định bảo vệ dữ liệu chung.

Tuy nhiên, các nước thành viên, đặc biệt là Pháp, ngày càng có xu hướng coi trọng an ninh hơn quyền tự do.

Một loạt luật thông qua gần đây cho thấy điều đó. Có thể nói kiểm soát xã hội là mối đe dọa của tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục