Kiếm tiền tỷ nhờ nuôi cá bán tự nhiên trong lòng hồ thủy điện Hòa Bình

Nhắc tới Cao Phong (Hòa Bình), người ta thường nghĩ ngay tới một số loại cây có múi đặc biệt là cam. Tuy nhiên, tại vùng đất sơn thủy hữu tình này còn có một sản vật đặc sắc mà ít người hay biết.

Phong trào nuôi cá lăng ở hồ thủy điện bắt đầu xuất hiện từ khoảng 4 năm trước. Người đi đầu trong phong trào này là anh Nguyễn Xuân Sang. Đến nay, anh Sang đã có một mô hình được coi là điểm sáng của địa phương với 20 lồng nuôi, mỗi năm xuất bán ra thị trường hơn 20 tấn cá thu về hàng trăm triệu đồng.

Theo anh Nguyễn Xuân Sang-chủ mô hình nuôi cá: “Mô hình nuôi cá lồng xuất phát từ việc di chuyển lòng hồ sông Đà, đến thời điểm mở đập ngập hết diện tích ruộng, nương thì chúng tôi bắt đầu chuyển sang chăn nuôi cá lồng phục vụ cho du khách và phát triển kinh tế.”

Trước đây, anh Sang từng có nhiều năm gắn bó với nghề đánh bắt cá lăng ngoài tự nhiên. Theo thời gian, anh thấy sản lượng đánh bắt ngày càng giảm, trong khi nhu cầu về loài cá này trên thị trường lại rất cao. Vì thế, sau một thời gian tìm hiểu, anh quyết định phát triển mô hình nuôi cá lăng lồng bè.

Với mô hình nuôi cá như thế này, lồng nuôi được đặt gần dòng chảy của nước, cá trong các lồng nuôi liên tục vận động nên thịt cá rất chắc, lại có vị ngon đặc trưng, không thua kém gì sản phẩm cá tự nhiên. Mặt khác, giống cá tại đây là loại cá lăng đặc trưng của sông Đà và vùng hồ Hòa Bình, giúp con giống khỏe hơn, nâng cao tính cạnh tranh. Đây được gọi là hình thức chăn nuôi bán tự nhiên.

Ngoài ra, thức ăn cho cá là thức ăn sạch bằng sản phẩm nông nghiệp được người dân trong vùng cung cấp, góp phần giải quyết đầu ra nông sản cho người dân quanh vùng lòng hồ.

Anh Nguyễn Xuân Sang cho biết: “Cho cá ăn bằng thức ăn mình tự tạo như ngô, khoai, sắn hoặc là cỏ hay các loại cá nhỏ, tép mà mình cất vó được. Với chế độ ăn uống như thế, thịt cá dai, thơm, chắc lại đảm bảo dinh dưỡng.”

Ngoài các giống cá lăng, anh Sang còn mở rộng nuôi thêm các loài cá nước ngọt có giá trị cao khác như trắm đen, chép giòn.

Ông Bùi Đức Biên-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cao Phong nhận xét: “Xã Thung Nai có điều kiện để phát triển các mô hình nuôi cá lồng và các loại thủy sản. Đối với các hộ gia đình nuôi cá lồng tại địa phương, từ năm 2018 đến nay, hội nông dân đã tạo điều kiện cho vay vốn từ quỹ bảo trợ nông dân. Trong năm 2019, chúng tôi đã phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên dạy nghề huyện tổ chức lớp cho 26 hội viên nông dân tập huấn nuôi cá lồng trong 3 tháng.”

Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ tích cực của hội nông dân, phong trào nuôi cá lồng bè tại huyện Cao Phong đã trở thành một giải pháp giúp bà con nông dân có nguồn thu nhập ổn định, cải thiện kinh tế và phát triển sản vật địa phương./

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục