Kiểm tra công tác chống tham nhũng tại Tổng Liên đoàn Lao động

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định Đại hội XII của Đảng đã xác định, đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng.
Ông Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Chiều 17/1, tại Hà Nội, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn làm trưởng đoàn, đã kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định Đại hội XII của Đảng đã xác định, đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời cũng là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; đó là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và của toàn bộ hệ thống chính trị.

Đánh giá cao những kết quả đạt được của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ công tác phòng chống tham nhũng, nhất là việc tuyên truyền về phòng chống tham nhũng tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên phạm vi cả nước; thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong nội bộ trong cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

[Đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án tham nhũng, án kinh tế nghiêm trọng]

Để công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục đạt hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị thời gian tới, Tổng Liên đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thống nhất cao về ý chí và hành động, trước hết là sự gương mẫu quyết liệt của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Tổng Liên đoàn cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, liêm khiết, năng lực và uy tín, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.

“Cần thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch; kiểm soát có hiệu quả để quản lý tài chính của công đoàn, việc quản lý tài sản được nâng lên nhằm đảm bảo phúc lợi cho cán bộ, công chức, viên chức công đoàn được đảm bảo. Phải để phòng chống tham nhũng có kết quả, hiệu quả, đi vào chiều sâu hơn nữa trong hệ thống công đoàn," trưởng đoàn công tác nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Tổng Liên đoàn tiếp tục quan tâm công tác đào đạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn từ trung ương đến địa phương, thực hiện tốt việc bảo vệ quyền lợi người lao động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công nhân viên chức, người lao động đối với hiện tượng tiêu cực, tham nhũng tại cơ quan đơn vị công tác...

Báo cáo kết quả công tác phòng chống tham nhũng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết hằng năm, các cấp Công đoàn đã quan tâm chỉ đạo trong cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức, lao động thực hiện chương trình hành động triển khai Luật phòng, chống tham nhũng.

Tổng Liên đoàn Lao động đã ban hành 56 Nghị quyết liên quan đến công tác cán bộ; 37 văn bản liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng; chủ động, tích cực tuyên truyền, quán triệt, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phú.

Các cấp công đoàn đã tổ chức hơn 172 nghìn cuộc tuyên truyền tới trên 9,3 lượt đoàn viên.

Năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Công đoàn các cấp đã thực hiện được hơn 2.100 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện 2 cuộc kiểm tra dấu hiệu vi phạm và chỉ đạo hướng dẫn Ủy ban Kiểm tra Công đoàn cấp dưới thường xuyên nắm tình hình, phát hiện và kiểm tra kịp thời khi có dấu hiệu vi phạm.

Qua các cuộc kiểm tra đã phát hiện 60 tổ chức và 49 cá nhân vi phạm, trong đó 31 tập thể và 58 cá nhân phải xem xét xử lý kỷ luật, vi phạm chủ yếu là về việc quản lý, sử dụng tài chính, trích nộp kinh phí công đoàn, nguyên tắc, chế độ sinh hoạt, thủ tục kết nạp đoàn viên, việc thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của cán bộ, đoàn viên công đoàn.

Các cấp Công đoàn đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ngành có liên quan triển khai thực hiện việc giám sát tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Công đoàn các cấp đã chủ trì giám sát gần 4.500 cuộc, tham gia giám sát gần 7.800 cuộc.

Nội dung giám sát tập trung về thực hiện thỏa ước lao động tập thể, việc giao kết và thực hiện hợp đồng lao động; an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, năng suất lao động và thực hiện nâng lương định kỳ, đột xuất và thực hiện quy định về điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật...

“Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện trong hệ thống công đoàn Việt Nam thông qua việc công khai, minh bạch; phát huy trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm túc việc sử dụng tài sản và tài chính đảm bảo dân chủ, công bằng, minh bạch và đúng quy định; thực hiện tốt công khai tài chính; minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức...," Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục