Ngày 15/2, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia 701 (Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam) đã làm việc với Ban Quản lý Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai).
Cục Khoa học Quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết, theo đánh giá của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Viện Khoa học và Công nghệ quân sự năm 2015, trong sân bay Biên Hòa có khoảng 52 ha đất với khối lượng 515.000m3 đất bị ô nhiễm chất độc hóa học dioxin cần phải được xử lý.
Ba địa điểm ô nhiễm nặng nhất tại khu vực sân bay Biên Hòa gồm khu vực Tây Nam sân bay với diện tích ô nhiễm 8ha, có mức ô nhiễm cao gấp 92 lần so với quy chuẩn cho phép đối với đất thương mại và công nghiệp; khu vực Pacer Ivy phía Tây sân bay là nơi phía Hoa Kỳ thực hiện chiến dịch thu gom các thùng chất độc hóa học còn lại sau phun rải, với diện tích ô nhiễm 15ha, mức độ ô nhiễm cao gấp 9,5 lần so với quy chuẩn; khu vực Z1 phía Nam sân bay với diện tích ô nhiễm 12ha, mức độ ô nhiễm có những điểm cao gấp 700 lần so với quy chuẩn cho phép đối với đất thương mại, công nghiệp.
Để ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, từ năm 1995-2016, Bộ Tư lệnh Hóa học chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện Dự án XD-1, đào xúc, chôn lấp cô lập 100.000 m3 trên diện tích 4,3 ha đất nhiễm dioxin; năm 2016 triển khai Dự án XD-2 đào xúc, chôn lấp cô lập 60.000 m3 đất tại phía nam sân bay.
[Hoa Kỳ và Việt Nam ký thỏa thuận để xử lý dioxin tại Biên Hòa]
Năm 2012, từ nguồn viện trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Môi trường toàn cầu, Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 (Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam) đã triển khai dự án cô lập, chôn lấp, chống lan tỏa bằng cách xây dựng hồ điều hòa, đào đắp mương thu gom dòng chảy nước bề mặt, cô lập trên diện tích hơn 5 ha với khối lượng 70.000 m3 đất tại phía tây sân bay.
Đến năm 2017, Bộ Quốc phòng đã khởi công dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý chất độc hóa học dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa. Tổng giá trị dự án là 270 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước.
Ngày 11/5/2018, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ-USAID và Quân chủng Phòng không Không quân đã ký thỏa thuận viện trợ không hoàn lại bản hạn chế cho sự án xử lý dioxin khu vực sân bay Biên Hòa.
Theo kế hoạch, Dự án tổng thể xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa giai đoạn 1 sẽ được triển khai trong tháng 4/2019 từ nguồn viện trợ không hoàn lại với số kinh phí do Chính phủ Hoa Kỳ bảo đảm là 183 triệu USD và vốn đối ứng từ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường.
Chi phí dự kiến để xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa là 390 triệu USD, thời gian xử lý trong 10 năm.
Tại buổi làm việc, Đại tướng Ngô Xuân Lịch biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được và ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị Quân đội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế thực hiện công tác khoanh vùng, xử lý các điểm nóng tồn lưu chất độc hóa học; công tác giải quyết chính sách, hỗ trợ y tế cho nạn nhân chất độc da cam dioxin.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh vẫn còn những hạn chế như: Mới chỉ xử lý được phần nhỏ trong khối lượng rất lớn đất nhiễm chất độc cần được xử lý triệt để. Việc giải quyết chế độ, chính sách, chăm sóc, hỗ trợ y tế cho các nạn nhân chất độc hóa học còn hạn chế, chưa đáp ứng kỳ vọng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị số 43 ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng sau chiến tranh Việt Nam; tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị để khởi công dự án hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ xử lý triệt để đất nhiễm chất độc hóa học/dioxin tại sân bay Biên Hòa giai đoạn 1; tăng cường công tác tuyên truyền, hợp tác, vận động tài trợ quốc tế và nguồn lực trong nước để được hỗ trợ về vốn, công nghệ./.