Kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về chính sách dân tộc

Công tác dân tộc là quá trình thực hiện lâu dài, liên tục, kiên trì, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.
Trao giống vật nuôi cho hộ dân tộc thiểu số nghèo huyện biên giới Bù Gia Mập,Bình Phước phát triển kinh tế. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Chiều 9/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì Hội nghị tổng kết Quy chế Phối hợp công tác giữa Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2016-2021; Ký kết Quy chế phối hợp giai đoạn 2022-2026.

Đồng chủ trì Hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, kết quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc trong năm 2021 nói riêng và giai đoạn 2016-2021 nói chung.

Hai cơ quan đã chủ động xây dựng dự thảo Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2022- 2026, với nội dung khá toàn diện, gồm 5 nhóm nội dung, cụ thể thành 14 đầu công việc. Các nội dung đề ra sát với thực tiễn, sát với Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng của Đảng đoàn Quốc hội cũng như Chương trình hành động của Chính phủ. Mục tiêu bao trùm là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025; Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; đánh giá toàn diện những tác động của dịch COVID-19 tới đồng bào, trên cơ sở đó xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm của từng năm để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới, hai bên cần thường xuyên trao đổi, bàn bạc, thống nhất để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 88 và Nghị quyết 120 của Quốc hội.

Khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 1719 của Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; khẩn trương hoàn thành các thủ tục, ban hành văn bản theo quy định để triển khai thực hiện, giải ngân 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Hai bên cần nghiên cứu tham mưu, đề xuất với Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quốc hội để xây dựng Luật về lĩnh vực dân tộc, điều chỉnh toàn diện, đầy đủ các chính sách dân tộc, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Hiến pháp năm 2013 về dân tộc và chính sách dân tộc;

Phối hợp nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điều chỉnh phân định miền núi, vùng cao, phục vụ cho việc hoạch định chính sách dân tộc; tổ chức hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về chính sách dân tộc và công tác dân tộc.

Qua đó kịp thời phát hiện, chỉ ra những khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, để đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp; thường xuyên nắm tình hình nhân dân, tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không để xảy ra “điểm nóng” trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

[Đẩy mạnh thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới]

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, công tác dân tộc là quá trình thực hiện lâu dài, liên tục, kiên trì, phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, vì vậy phải chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và của toàn xã hội.

Mục tiêu là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng và tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào các dân tộc để phát triển nhanh, bền vững trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Do đó, mỗi cơ quan cần kế thừa, phát huy những kết quả đạt đạt được trong công tác phối hợp; vừa đổi mới, phát triển, luôn đoàn kết thống nhất cao, tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt, khách quan với công việc.

Củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Triển khai Quy chế Phối hợp công tác giữa Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2016-2021, hai bên đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Các chủ trương, chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế.

Công tác tổ chức thực hiện chính sách dân tộc đã có chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước được chú trọng; nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về công tác dân tộc; góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, tăng cường.

Dấu ấn nổi bật nhất của quá trình phối hợp là đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội khóa XIV phê duyệt đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện từ năm 2021 đến năm 2030..

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie Kđăm nhấn mạnh, quan điểm nhất quán của dự thảo Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2022-2026 là hai cơ quan thực hiện Quy chế phối hợp nhằm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao cho về xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật; giám sát, kiểm tra; tổ chức thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nội dung Quy chế phối hợp phù hợp, bám sát các nội dung, chương trình, nhiệm vụ của hai cơ quan trong giai đoạn 2022-2026 và của từng năm.

Trên cơ sở Quy chế, hai bên tăng cường các hoạt động chỉ đạo, phối hợp hoạt động một cách thường xuyên, chủ động, tích cực, hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục