Những ngày này, người dân vùng đệm U Minh Thượng thuộc hai xã Minh Thuận và An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đang gồng mình ứng phó với cơn “bão khô” bủa vây.
Giai đoạn đỉnh điểm của mùa khô gay gắt này đã làm hầu hết kênh mương ở đây khô cạn nước, ảnh hưởng bất lợi đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Những tuyến kênh mương trơ đáy, xuồng ghe không còn lưu thông được dẫn đến sản phẩm nông sản hàng hóa của nông dân khó tiêu thụ, giá bán giảm từ 50% trở lên so với bình thường nhưng vẫn không thương lái thu mua.
Ông Nguyễn Minh Trọng, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng cho biết, do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn và dịch COVID-19, giá chuối xiêm giảm còn trên dưới 3.000 đồng/nải trong khi trước đó 1 tháng giá từ 5.000-6.000 đồng/nải.
Giá mía từ 800-900 đồng/kg chỉ còn 450-470 đồng/kg. Mặc dù giá giảm nhưng vẫn không có thương lái mua do kênh rạch khô cạn xuồng ghe không vận chuyển được.
Để bán được chuối, nông dân phải vận chuyển bằng xe máy từng chuyến ra đến vựa cho thương lái hết sức khó khăn, tốn kém.
[Hàng chục nghìn ha lúa và hoa màu ở Cà Mau bị thiệt hại do hạn, mặn]
Trên địa bàn xã Minh Thuận, nhiều bờ liếp rau màu các loại như cải, hành, mướp đắng, dưa chuột… dù nông dân bơm chắt lượng nước còn lại ít ỏi dưới lòng kênh để tưới cũng khó chống chịu được cái nắng gay gắt như thiêu đốt.
Bà con lo ngại sẽ không còn nước tưới cho rau màu trong 5-10 ngày tới nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất, năng suất giảm.
Ngoài ra, tình hình hạn mặn gay gắt kéo dài đã gây thiệt hại gần 400 ha tôm nuôi trên địa bàn huyện U Minh Thượng do sốc môi trường, sức đề kháng của tôm kém.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại của người dân vùng đệm U Minh Thượng trước diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn đang giai đoạn đỉnh điểm gay gắt là tình trạng sụt lún, sạt lở đất các tuyến đường giao thông làm ảnh hưởng nhiều nhà ở dọc tuyến đường và có nguy cơ đổ sụp xuống kênh rạch rất cao.
Ông Phạm Duy Tân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng cho biết, hiện tại, mực nước trong các tuyến kênh đê bao vùng đệm thuộc hai xã Minh Thuận và An Minh Bắc đã xuống rất thấp, có nơi cạn kiệt đến đáy làm sụt lún, sạt lở nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn.
Qua khảo sát ban đầu đã xuất hiện 7 vị trí sụt lún đê bao ngoài Vườn quốc gia U Minh Thượng (tỉnh lộ 965) với tổng chiều dài 168m; trong đó 40m sụt lún mặt đường hoàn toàn đã cấm xe ô tô lưu thông qua lại.
Trên một số tuyến lộ nông thôn đã có 10 vị trí sụt lún, sạt lở với tổng chiều dài 468 m, gây khó khăn cho người dân lưu thông và vận chuyển nông sản hàng hóa. Cùng với đó, hàng trăm hécta rau màu và khoảng 1.500ha chuối trên địa bàn huyện U Minh Thượng bị ảnh hưởng hạn mặn, năng suất giảm, giá thị trường giảm.
Trước tình trạng hạn mặn còn diễn biến phức tạp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng phối hợp với hai xã Minh Thuận và An Minh Bắc khuyến cáo nông dân sử dụng nước hết sức tiết kiệm để duy trì tưới cho hoa màu, cây ăn trái, tạm dừng xuống giống, gieo trồng những nơi kênh mương cạn nước mà chờ mưa xuống tiếp tục sản xuất.
Đối với những tuyến đường giao thông đã bị sụt lún, sạt lở và có dấu hiệu này, ngành chức năng huyện U Minh Thượng đã rào chắn, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, cấm xe ôtô lưu thông nhằm giảm tải trọng cho tuyến đường, đồng thời tuyên truyền người dân cảnh giác khi lưu thông qua lại để phòng tránh tai nạn có thể xảy ra.
Chính quyền địa phương hai xã Minh Thuận và An Minh Bắc vận động các hộ dân đang sống trong khu vực nguy hiểm khẩn trương di dời đến nơi an toàn, phòng tránh sụt lún, sạt lở bất ngờ xảy ra gây thiệt hại tính mạng và tài sản./.