Kiên Giang: Rà soát phương châm “4 tại chỗ” kịp thời ứng phó thiên tai

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Kiên Giang cho biết tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão sắp tới, được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, khó lường.
Kiên Giang: Rà soát phương châm “4 tại chỗ” kịp thời ứng phó thiên tai ảnh 1Bờ kè chống sạt lở bờ sông Rạch Chanh trên địa bàn huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Tỉnh Kiên Giang thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão sắp tới, được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, khó lường.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết tỉnh lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các chương trình, dự án đầu tư của các sở, ngành, địa phương, nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung, tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Tỉnh triển khai tốt việc đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc đầu tư xây dựng, cải tạo, quản lý, vận hành, sử dụng công trình ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu và những công trình cơ sở hạ tầng khác.

Kiên Giang nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai, nhất là loại hình thiên tai thường xuyên diễn ra gây thiệt hại như bão, ngập lụt, áp thấp nhiệt đới, lũ, sạt lở đất….

Ngành chức năng của tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi trên địa bàn trọng điểm, nạo vét kênh, mương, duy tu, sửa chữa công trình phục vụ phòng, chống, ứng phó với thiên tai, bảo vệ sản xuất mùa vụ. Đồng thời, kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, hồ đập, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm an toàn, giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra trong mùa mưa lũ.

Đặc biệt, ngành chức năng kiểm tra, rà soát quy trình vận hành, đánh giá hiện trạng an toàn đập và hồ chứa nước trên địa bàn thành phố Phú Quốc, huyện Kiên Hải theo quy định về quản lý an toàn hồ, đập; lập phương án phòng, chống thiên tai, bảo vệ hồ, đập để chủ động ứng phó khi có sự cố xảy ra.

[Kiên Giang tập trung ứng phó với tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn]

Các lực lượng Quân đội, Công an, Biên phòng phối hợp xây dựng phương án tìm kiếm, cứu nạn, sơ tán, di dời dân để ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào bờ, lũ lớn, nước biển dâng và những tình huống khẩn cấp do thiên tai, tai nạn gây ra. Quản lý chặt chẽ số lượng tàu thuyền trên địa bàn, phối hợp ngành chức năng kiểm tra an toàn các phương tiện hành nghề trên biển, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới khi tình huống xấu xảy ra.

Ngành chức năng tỉnh triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông thủy, khai thông dòng chảy trước mùa mưa lũ, cảnh báo, kiểm soát an toàn giao thông ở các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc khi có sự cố thiên tai.

Cùng với đó, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm, nhất là đối với các bến phà, đò ngang sông, kiểm tra việc trang bị các phương tiện cứu sinh, thiết bị an toàn và đảm bảo tải trọng cho phép của các tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển; kiên quyết đình chỉ hoạt động vận tải đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh và đảm bảo an toàn giao thông thủy.

Các địa phương rà soát kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó thiên tai sát hợp với tình hình thực tế theo phương châm “4 tại chỗ,”bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư trang thiết bị cho lực lượng phòng, chống, ứng phó với thiên tai tại địa phương. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai để người dân chủ động các biện pháp ứng phó.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, năm 2022, thiên tai đã làm 5 người chết và 4 người bị thương do sét, nhà đổ sập, chìm tàu; đổ sập 122 căn nhà và tốc mái 522 căn nhà của người dân; làm chìm 36 phương tiện đánh bắt thủy sản của ngư dân....

Tổng giá trị thiệt hại về vật chất khoảng 17 tỷ đồng. Trong hơn 5 tháng đầu năm 2023, thiên tai đã là sập 12 căn nhà, tốc mái 40 căn nhà của hộ dân, ước thiệt hại về vật chất khoảng 1,4 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục