Tổng cục Thuế vừa yêu cầu tổ chức tín dụng rà soát, kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng đối với các khoản thu từ thư tín dụng phát sinh từ ngày 1/1/2011 đến nay.
Chính vì vậy, ngày 18/5, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính để phản đối vấn đề này.
Theo lý giải của Hiệp hội Ngân hàng, thư tín dụng, trong đó ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng phát hành/xác nhận L/C, về bản chất là cam kết/bảo lãnh thanh toán, như đối với thư tín dụng nhập khẩu. Trường hợp này, ngân hàng cung cấp dịch vụ bảo lãnh thanh toán và được luật pháp coi là hình thức cấp tín dụng.
[Thư tín dụng trả chậm: Tạo lợi thế cạnh tranh trong thanh toán quốc tế]
“Các khoản phí liên quan trực tiếp đến việc phát hành, xác nhận thông báo L/C để bảo lãnh thanh toán cho khách là phí thu trên hoạt động cấp tín dụng và không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng,” Hiệp hội Ngân hàng nêu rõ.
Theo Hiệp hội Ngân hàng, việc áp dụng thu thuế giá trị gia tăng không đúng bản chất của L/C, đặt vấn đề truy thu thuế, phạt kê khai và tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng đối với các khoản thu liên quan thư tín dụng phát sinh từ đầu năm 2011 đến nay sẽ gây tác động xáo trộn lớn ảnh hưởng xấu tới hoạt động của các ngân hàng thương mại nhất là trong bối cảnh phải tập trung hỗ trợ chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro cho các cam kết này.
Cũng theo phân tích của Hiệp hội Ngân hàng, thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, trường hợp phải nộp bổ sung thuế giá trị gia tăng dịch vụ thư tín dụng đã phát sinh thì ngân hàng phải thu lại từ khách hàng. Trong lúc nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, việc đồng loạt truy thu tiền thuế giá trị gia tăng là không khả thi, ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng và các doanh nghiệp liên quan.
Bên cạnh đó, việc yêu cầu “hồi tố” sẽ làm phát sinh một loạt chi phí xã hội do phải điều chỉnh hóa đơn, số liệu về kê khai, nộp thuế, khấu trừ thuế…
Để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, đại diện Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế hướng dẫn các cục thuế địa phương không áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với L/C và các khoản phí có liên quan đến quy trình cấp tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo đúng tinh thần của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, Luật thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Phía Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan làm rõ các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật để hiểu và áp dụng thuế giá trị gia tăng đôi với L/C đúng bản chất, thống nhất, không gây khó khăn trong hoạt động của tổ chức tín dụng./.