Kiên quyết giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp yếu kém

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ngoài hoạt động đào tạo, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp sẽ là cánh tay nối dài cơ sở đào tạo bậc cao hơn, kiên quyết giải thể các cơ sở yếu kém
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 9/11, Quốc hội tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành.

Trước chất vấn đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định sẽ tập trung sắp xếp lại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo hướng ba trong một, hai trong một và kiên quyết giải thể cơ sở giáo dục nghề kém hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sau ba năm Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã hoàn thiện toàn bộ văn bản pháp luật. Các địa phương và một số bộ, ngành đã sắp xếp lại và đến nay đã giảm từ 1996 xuống 1909 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giảm 77 trường công lập, hoàn thành mục tiêu trước năm 2021.

Giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam từ chỗ chưa được xếp hạng đến nay đã đứng thứ mức 90 trong tổng số 158 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tăng 10 bậc so với năm 2019.

[Quốc hội: Nhũng nhiễu dân, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu]

Thời gian tới, theo kế hoạch, về nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ bản quy hoạch cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn tiếp theo vào tháng 4/2021 sau khi các địa phương làm xong quy hoạch theo hướng sắp xếp lại các trung tâm theo hướng ba trong một hoặc hai trong một.

Ngoài hoạt động đào tạo, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp sẽ là cánh tay nối dài cơ sở đào tạo bậc cao hơn, kiên quyết giải thể các cơ sở yếu kém, sáp nhập các cơ sở trùng chức năng.

Nhấn mạnh việc khuyến khích thành lập cơ sở giáo dục tư thục có vốn đầu tư nước ngoài gắn với sử dụng nhân lực cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo Bộ luật Lao động sửa đổi 2019, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết với hướng tập trung sắp xếp lại các trung tâm giáo dục dạy nghề, các tỉnh chỉ sẽ còn một, hai trường cao đẳng đào tạo đa ngành, đa hệ.

Đồng thời, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ khuyến khích đầu tư hình thành hệ thống giáo dục chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo cấp độ; công bố khung trình độ quốc gia theo khung tham chiếu trình độ ASEAN để triển khai.

Quy hoạch này cũng đẩy mạnh sự hợp tác quốc tế, công nhận văn bằng, chứng chỉ của các nước ASEAN và một số nước đào tạo nghề phát triển cao, trong đó tập trung vào 3 quốc gia là Australia, Nhật Bản, Đức.

Mục tiêu là đến năm 2030 có 100 trường chất lượng cao, 50 trường đạt chuẩn ASEAN, 15 trường đạt chuẩn G20, giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam sẽ đạt trình độ tiên tiến trong ASEAN, quy mô tuyển sinh gấp ba lần hiện nay.

"Chúng tôi áp dụng một số kế hoạch, cách thức đào tạo mới để phù hợp với xã hội chuyển đổi số thông qua đào tạo trực tuyến cho các học sinh, nhất là các học sinh ở độ tuổi phân luồng, thúc đẩy sáng tạo cho thanh niên và người lao động vừa học vừa làm việc từ xa. Vừa là tiền đề để vừa làm việc vừa kết hợp nghỉ ngơi," ông Đào Ngọc Dung thông tin./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục