Lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015) đã được tổ chức tại Pháp, Ấn Độ, Hungary và Đức.
Tối 27/4, tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Paris, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn và phu nhân, đại sứ Lê Hồng Phấn, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO cùng đông đảo kiều bào đã tham dự lễ kỷ niệm.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn đã ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống Mỹ cứu nước, từ 1954-1975, với bao hy sinh xương máu của nhiều thế hệ đồng bào và chiến sĩ cho độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Đại sứ cũng nêu bật ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là chấm dứt chiến tranh, đem lại hòa bình đồng thời mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và phát triển cho Việt Nam. Theo ông, ý chí thống nhất và khát vọng hòa bình là sức mạnh đã làm nên chiến thắng đó.
Nhân dịp này, Đại sứ cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới bạn bè quốc tế khắp năm châu, đặc biệt là bạn bè Pháp đã kề vai sát cánh với nhân dân Việt Nam, dành cho Việt Nam sự giúp đỡ vô tư trong sáng trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Theo ông, sự ủng hộ đó không chỉ là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân Việt Nam mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao thế và lực của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ.
Về đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, Đại sứ nêu rõ trong cuộc kháng chiến để giành độc lập và thống nhất đất nước, cộng đồng đã luôn hướng về Tổ quốc, ủng hộ, tiếp sức cùng đồng bào, chiến sỹ trong nước. Hòa bình lập lại, với tiềm lực tri thức và kinh tế, với công sức, trí tuệ, tình đoàn kết và tấm lòng hướng về quê hương, bà con kiều bào tại Pháp vẫn tiếp tục đồng hành cùng đất nước trong công cuộc xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, làm nhịp cầu cho quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Pháp.
Cũng nhân dịp này, thay mặt Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn đã trao tặng Bằng khen và Giấy khen cho các kiều bào đã có những đóng góp tích cực trong thời gian qua vào việc củng cố và phát triển cộng đồng và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong khi đó, ông Jacques Chevalier, nhân viên hợp tác quốc tế làm việc tại trường Colette của Pháp tại Sài Gòn, người chứng kiến những thời khắc đầu tiên khi Sài Gòn được giải phóng ngày 30/4/1975, đã giới thiệu những hình ảnh tư liệu được ông ghi lại bằng chiếc máy quay du lịch cho thấy các phân đội xe tăng cắm cờ giải phóng tiến vào trung tâm Sài Gòn và bầu không khí náo nức, phấn khởi của người dân chào đón đoàn quân chiến thắng.
Thay mặt cho cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, ông Nguyễn Văn Bổn, thành viên Hội đồng cố vấn Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) đã bày tỏ tình cảm của những người con sống xa Tổ quốc đau đáu nỗi đau khi đất nước bị chia cắt cùng cảm xúc vỡ òa khi giấc mơ nước nhà thống nhất đã thành sự thật.
Đại diện cho thế hệ sinh sau năm 1975, kỹ sư 27 tuổi Lều Đăng Hoài đang làm việc tại Paris đã phát biểu về niềm hạnh phúc được sinh ra khi đất nước đã hòa bình, độc lập đồng thời bày tỏ sự biết ơn với các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để mình có cuộc sống tươi đẹp hôm nay.
Trước đó ngày 26/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary phối hợp với Hội hữu nghị Hung-Việt, Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary và Ban liên lạc Hội cựu chiến binh tại Hungary long trọng tổ chức Kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thanh Tuấn nêu bật ý nghĩa của chiến thắng lịch sử 40 năm trước. Bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam và chặng đường ba thập kỷ đấu tranh giải phóng dân tộc đã kết thúc, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Sau 40 năm, Việt Nam từ một nước nghèo nàn, kém phát triển, bị chiến tranh tàn phá, kinh tế lạc hậu, bị các nước phương Tây bao vây, cấm vận, đã nhanh chóng đổi mới để đến hôm nay trở thành một quốc gia hòa bình, ổn định, có nền kinh tế phát triển nhanh, đời sống nhân dân được cải thiện, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vai trò và vị thế ngày càng tăng trên trường quốc tế.
Đại sứ ghi nhận và mãi mãi nhớ ơn sự ủng hộ của nhân dân các nước trên thế giới, trong đó có nhân dân Hungary anh em, đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.
Các cựu quân nhân Hungary đã ôn lại những kỷ niệm sâu sắc trong thời gian ở Việt Nam tham gia Ủy ban bốn bên giám sát thực hiện Hiệp định Paris, chia sẻ niềm vui với những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của nhân dân Việt Nam sau 40 năm.
Cộng đồng người Việt Nam tại Hungary hướng về Tổ quốc với niềm tự hào và lòng yêu nước lớn lao, quyết tâm xây dựng cộng đồng đoàn kết, vững mạnh, góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đã được dày công vun đắp 65 năm qua.
Tại Ấn Độ, chiều 28/4, Tổ chức Hòa bình và Đoàn kết toàn Ấn (AIPSO) đã tổ chức mít tinh kỷ niệm tròn 40 năm giải phóng miền Nam Việt Nam (1975-2015) với sự tham dự của đông đảo thành viên AIPSO, đại biểu đảng Cộng sản Ấn Độ Mác-xít (CPI-M), đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI), các tổ chức quần chúng và một số bạn bè Ấn Độ từ các học viện và trường đại học.
Ông Vũ Quang Diệm, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Ấn, cùng toàn thể cán bộ nhân viên, thành viên gia đình Đại sứ quán Việt Nam các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán, sinh viên, học sinh Việt Nam đang học tập tại New Delhi cũng tham dự lễ míttinh.
Phát biểu tại cuộc mít-tinh, ông Pallab Sengupta, Tổng thư ký AIPSO và đại biểu các chính đảng, các tổ chức quần chúng Ấn Độ đã nhắc lại những kỷ niệm về tình đoàn kết, sự ủng hộ hết lòng của nhân dân Ấn Độ đối với cuộc kháng chiến trường kỳ nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Việt Nam.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Ấn Độ và Việt Nam, hiện đang phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, đồng thời tin tưởng rằng mối quan hệ này sẽ tường tồn mãi.
Phát biểu tại cuộc míttinh, ông Vũ Quang Diệm, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Ấn và ông Trần Quang Tuyến, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới tất cả bạn bè Ấn Độ, đặc biệt là AIPSO đã tổ chức sự kiện trọng đại này. Trong cuộc chiến tranh trường kỳ, Chính phủ và nhân dân Ấn Độ luôn bên cạnh Việt Nam. Khẩu hiệu phổ biến trong thanh niên, sinh viên Ấn Độ thời đó là (Tera Nam, Mera Nam, Vietnam, Vietnam” (Tên tôi là Việt Nam, tên anh là Việt Nam, tên chúng ta là Việt Nam, Việt Nam) vẫn còn khắc sâu trong tâm trí người Ấn Độ.
Hiện nay, đặc biệt sau khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2007, quan hệ Việt-Ấn đã được tăng cường và mở rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, khoa học-công nghệ, văn hóa-giáo dục. Trong năm qua, hai nước đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của mối quan hệ Đối tác chiến lược cả bề rộng lẫn chiều sâu, với những chuyến thăm cấp cao liên tục của hai nước.
Tại Đức, Hội Cựu quân nhân Việt Nam bang Sachsen-Anhalt đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015) và 10 năm ngày thành lập Hội cựu quân Việt Nam ở bang này.
Thay mặt Ban Chấp hành hội, ông Nguyễn Ánh Sao, Chủ tịch Hội cựu quân nhân Việt Nam bang Sachsen-Anhalt đã điểm lại những mốc son chói lọi của 40 năm về trước mà đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, non sông thu về một mối.
Hội Cựu quân nhân Việt Nam tại Sachsen-Anhalt là một trong những hội có nhiều hoạt động tiêu biểu, tích cực trong phong trào đoàn hội tại Đức, trở thành mái nhà chung của những người lính cụ Hồ đang sinh sống ở nước sở tại, đồng thời luôn đoàn kết đồng lòng hướng về quê hương, đất nước. Hội từng có hội viên về dự Hội nghị thi đua toàn quốc của hội Cựu chiến binh Việt Nam và là một trong số ít các hội đoàn tại Đức được Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Quốc phòng tặng bảng vàng vinh danh và Bộ Ngoại giao Việt Nam tặng nhiều bằng khen vì có những thành tích đóng góp nổi bật trong công tác hội.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Trịnh Ngọc Đại, Tùy viên quốc phòng Việt Nam tại Đức, đã ôn lại chiến thắng 30/4/1975 là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam trong 21 năm trường kỳ kháng chiến. Để có chiến thắng này, hàng triệu đồng bào, chiến sỹ đã ngã xuống hoặc đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho công cuộc kháng chiến vĩ đại.
Đánh giá về hoạt động của hội, ông Trịnh Ngọc Đại cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Đức luôn đánh giá cao hoạt động của các hội cựu chiến binh ở Đức nói chung và tại bang Sachsen-Anhalt nói riêng, đồng thời bày tỏ tin tưởng Hội cựu quân nhân bang Sachsen-Anhalt tiếp tục là nòng cốt trong xây dựng cộng đồng người Việt tại Đức vững mạnh, đoàn kết, hội nhập và phát triển.
Tại buổi lễ, các cựu chiến binh bang Sachsen-Anhalt đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời hào hùng, cùng chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong làm ăn và hòa nhập cuộc sống sở tại. Các bài hát do những người lính năm xưa tự thể hiện càng làm cho không khí của buổi gặp mặt thêm xúc động và ấm cúng./.