Với khoảng hơn 2 triệu người Việt Nam ở nước ngoài xuất thân hoặc có liên hệ từ Thành phố Hồ Chí Minh, từ nhiều năm qua, thành phố mang tên Bác được coi là một trong những địa phương có mối liên hệ mật thiết nhất với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và là “đầu cầu” lớn nhất đón kiều bào trở về quê hương đón Tết.
Trong không khí đón mùa Xuân mới của năm Quý Mão 2023, những người Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam đón Tết cổ truyền của dân tộc đã có những chia sẻ về khát vọng phục vụ, cống hiến cho quê hương của những người con đất Việt xa xứ.
Tự hào là người con đất Việt
Mỗi độ Tết đến, Xuân về, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài lại nao nức trở về với quê hương để được đắm chìm trong không khí đón Tết cổ truyền của dân tộc cùng người thân và gia đình, được chứng kiến những đổi thay của quê hương và tận hưởng cảm giác thiêng liêng của hai chữ “đồng bào” trong tiết Xuân sang.
Bà Trần Tuệ Tri, kiều bào Singapore cho biết từng có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ giãn cách xã hội chống dịch COVID-19, bây giờ trở lại Thành phố càng cảm nhận sâu sắc sự chuyển mình thay đổi và khí chất kiên cường của người dân Thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh đông đúc, nhộn nhịp ngập tràn âm thanh cuộc sống khiến khó tưởng tượng nổi cách đây chỉ 2 năm Thành phố còn là những con đường vắng lặng bóng người trong không gian vang tiếng còi xe cứu thương.
“ Tôi rất tự hào khi thấy Việt Nam đạt mức tăng trưởng hàng đầu châu Á và Thành phố đã trở lại vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước. Điều đó thể hiện tính năng động, uyển chuyển và tinh thần vượt khó chiến thắng mọi thử thách của người dân Thành phố. Cảm nhận sự rộn ràng tươi trẻ của Thành phố trong những ngày đón Xuân mới, tôi càng tự hào vì mình cũng đã có những đóng góp vào những thành công của quê hương với tư cách một người con đất Việt,” bà Tuệ Tri chia sẻ.
[Huy động nguồn lực kiều bào Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới]
Cũng có chung cảm xúc, bà Trần Thị Tuyết Linh (Linh Molko), người Việt Nam ở Pháp chia sẻ, bà trở về quê hương ngay trước khi Thành phố Hồ Chí Minh quyết định phong tỏa để phòng, chống dịch.
Trực tiếp cùng thành phố trải qua những ngày căng mình chống dịch và bản thân từng tham gia tuyến đầu chống dịch, chứng kiến những sự khốc liệt, khó khăn thậm chí mất mát đau thương của thành phố thời kỳ bùng dịch, bà không ngờ thành phố có thể bình phục nhanh đến thế.
“Trải qua gần 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch, vậy mà Thành phố đã chuyển mình phục hồi nhanh chóng trên tất cả mọi mặt của đời sống, nhất là về kinh tế trong năm 2022. Cuộc sống đã trở lại với đầy đủ cung bậc, dường như Thành phố chưa từng trải qua biến cố của thời gian dịch bệnh vừa qua,” bà Tuyết Linh vui vẻ nhận xét.
Ông Lâm Việt Tùng, kiều bào tại Hà Lan cho biết, rời xa Việt Nam từ 40 năm trước, nhưng cũng có nhiều dịp trở về Việt Nam và đến thăm Thành phố, ông thực sự khâm phục khi được tận mắt chứng kiến thành phố trong những ngày đón Tết Quý Mão, thể hiện sự hồi sinh của thành phố sau cơn đại dịch.
“Trong thời gian thành phố chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, tôi đã dự hai cuộc hội thảo trực tuyến với thành phố và với những thông tin qua người quen thì thành phố chịu tác động rất nặng nề từ dịch bệnh và tôi không tưởng tượng nổi Thành phố lại có thể hồi sinh kỳ diệu đến vậy. Điều đó thật đáng trân trọng, đáng tự hào về ý chí của thành phố mang tên Bác”- ông Lâm Việt Tùng cho biết.
Với nụ cười tươi tắn luôn thường trực và bằng những câu tiếng Việt còn chưa thật tròn trịa, ông Lý Thừa Vĩnh, Giám đốc Công ty văn hóa và Đầu tư Hàn Quốc-Việt Nam bày tỏ rất bất ngờ trước hình ảnh sôi động của Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày đón Tết.
Trong những ngày ngắn ngủi tại Việt Nam, bên cạnh tham dự chương trình “Xuân Quê hương” ở Hà Nội, ông sẽ cố gắng làm hết những việc quan trọng cần làm là tham gia chương trình “Gặp mặt chiến sỹ Trường Sa” dành cho những người đã từng đến với mảnh đất thiêng liêng nơi đảo xa của đất nước và đi thăm đất Tổ vua Hùng.
“Mọi người đừng hỏi tôi vì sao biết tiếng Việt Nam. Điều đó thật đơn giản, vì tôi là người Việt. Tôi là con cháu đời thứ 28 của vua Lý Thái Tổ, là Chủ tịch danh dự Hội dòng họ Lý Hoa Sơn ở Hàn Quốc. Tôi là người Việt, vì thế tôi phải biết tiếng Việt và tôi tự hào về điều đó,” ông Lý Thừa Vĩnh khẳng khái cho biết.
Khát vọng cống hiến cho quê hương
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong nhiều năm qua, đã có hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn và gần 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường Đại học, khu Công nghệ cao, các bệnh viện…
Bên cạnh đó, gần 3.000 công ty có vốn của kiều bào được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng vốn điều lệ hơn 45.000 tỷ đồng và hàng năm có khoảng 30.000 người Việt trẻ ở nước ngoài tìm kiếm cơ hội kinh doanh bằng các dự án khởi nghiệp tại Thành phố.
Có thể nói Thành phố Hồ Chí Minh là nơi ghi dấu ấn đậm nét về những cống hiến của cộng đồng kiều bào với sự phát triển Thành phố và đất nước bằng cả tinh thần, tài lực và trí lực.
Tận mắt chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thành phố, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và tìm hiểu rõ hơn về chương trình chính quyền điện tử của Thành phố, ông Lâm Việt Tùng cho biết với tư cách là một chuyên gia về công nghệ thông tin, tôi sẵn sàng hỗ trợ thành phố phát triển trong lĩnh vực này, trước hết là bằng những ý kiến đóng góp có được từ kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các công ty hàng đầu thế giới.
Từ kinh nghiệm 20 năm là kiến trúc sư về công nghệ thông tin, ông Lâm Việt Tùng trăn trở: Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước tiến mạnh mẽ về công nghệ thông tin, trong việc xây dựng chính quyền điện tử. Tuy nhiên, các hệ thống thông tin như quản lý văn bản của Thành phố đang phát triển phân tán, mỗi quận huyện có một hệ thống riêng biệt dẫn đến sự tốn kém về tài nguyên, về con người và thiếu sự đồng bộ cần thiết, gây ách tắc trong giải quyết dịch vụ công.
Hiện nay Thành phố hướng đến dịch vụ công “một cửa”, nhưng còn “cửa” là còn ách tắc mà cần phải hướng tới dịch vụ công “không cửa” để tạo thuận lợi nhất cho người dân.
Với kiến thức tích lũy từ nhiều năm làm việc với các Tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin, ông Lâm Việt Tùng mong muốn và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về kiến trúc công nghệ thông tin phục vụ cho Thành phố Hồ Chí Minh.
“Đảm bảo xây dựng, kết nối hệ thống công nghệ thông tin Thành phố thành một thể thống nhất, đồng bộ, giúp tiết kiệm tài nguyên và chi phí vận hành. Nếu Thành phố yêu cầu, tôi sẵn sàng tham gia với tư cách kiến trúc sư trưởng xây dựng kiến trúc công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho Thành phố. Đây vừa là tâm nguyện và cũng là ước muốn lớn nhất của tôi trước thềm năm mới. Không có gì quý giá hơn là được mang những điều mình giỏi nhất, hiểu biết nhất cho những gì mình yêu quý nhất” - ông Lâm Việt Tùng chia sẻ.
Trong khi đó, chia sẻ niềm vui khi ra mắt thành công cuốn sách “Thương hiệu Việt Nam- Thời khắc vàng,” cuốn sách đầu tiên về thương hiệu quốc gia từ góc nhìn thực tế tại Việt Nam, bà Trần Tuệ Tri bày tỏ mong muốn được đóng góp xây dựng thương hiệu Thành phố vững mạnh hơn.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở nước ngoài và trong ngành xây dựng thương hiệu, bà Tuệ Tri cho rằng, đây là thời khắc vàng để xây dựng thương hiệu của Thành phố với sự phát triển kinh tế tốt cùng với những giá trị văn hóa, lịch sử rất độc đáo, nổi bật.
Theo bà Trần Tuệ Tri, lâu nay Thành phố Hồ Chí Minh quy tụ được nguồn lực từ mọi miền đất nước, thậm chí từ nước ngoài khi tạo dựng được niềm tin cho mọi người về cơ hội tạo dựng sự nghiệp của mình tại trung tâm kinh tế của cả nước- một nơi “đất lành chim đậu. Đó là điểm mạnh của Thành phố trong xây dựng thương hiệu với tư cách một trung tâm kinh tế khởi nghiệp sáng tạo cùng với những thế mạnh khác như kinh tế dịch vụ, du lịch…
Tuy nhiên, Thành phố cần phải nghiên cứu giải quyết những vấn đề được gọi là “điểm cân bằng thương hiệu”, như bên cạnh tận dụng điểm mạnh về sự đông đúc, sôi động thì cần giải quyết sự hạn chế nạn kẹt xe, khói bụi theo kèm khi đẩy mạnh phát triển thế mạnh về du lịch, văn hóa.
Ví dụ, dòng sông Sài Gòn thi vị với bến cảng Nhà Rồng - nơi Bác Hồ, vị anh hùng dân tộc ra đi tìm đường cứu nước có thể được được chuyển tải thành một câu chuyện lịch sử có giá trị xây dựng thương hiệu cho thành phố.
Mọi người khi đến New York (Hoa Kỳ) đều tìm tới tượng Nữ thần tự do, dù đó chỉ là một bến cảng ghi dấu những người nhập cư khi xưa, nhưng cuốn hút được du khách bằng những câu chuyện mang tính lịch sử về địa danh đó. Chính vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh cần có những câu chuyện, cách thể hiện hay hơn, đặc sắc hơn để người dân Thành phố tự hào và làm cho quốc tế nhớ đến Thành phố, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Thành phố.
Cũng theo bà Tuệ Tri, việc xây dựng thương hiệu là công việc của tất cả mọi người chứ không phải của riêng ai, bởi nâng tầm thương hiệu của thành phố và đất nước cũng là tâng tầm giá trị con người thành phố và Việt Nam nói chung.
Qua gặp gỡ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp đón Tết Quý Mão cho thấy những cảm nhận về mong muốn và tinh thần quyết liệt của thành phố trong việc đổi mới để phát triển. “Kỳ vọng vào tinh thần “dám nghĩ, dám làm” của lãnh đạo Thành phố, tin tưởng vào khát vọng mãnh liệt của người dân thành phố, tôi cũng như cộng đồng kiều bào trên toàn thế giới nguyện cùng chung sức biến cơ hội thành phố đang có trở thành hiện thực sớm và tôi cũng hy vọng ước mơ của tôi sớm trở thành hiện thực, đó là niềm tự hào khi thấy Việt Nam trở thành điểm đến của sự đổi mới, thịnh vượng và hạnh phúc”- bà Trần Tuệ Tri chia sẻ.
Những tâm nguyện chân thành của bà Trần Tuệ Tri, ông Lâm Việt Tùng trong dịp đón năm mới tại quê hương cũng là tinh thần chung của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khi nhớ về quê cha-đất mẹ.
Khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, cho sự phát triển của quê hương, bồi đắp cho niềm tự hào dân tộc qua mọi thế hệ cũng là truyền thống, bản chất của những người con Việt dù ở bất cứ nơi đâu hướng về cội nguồn thiêng liêng./.