Kiều bào xúc động và thành kính khi về thăm quê Bác

Được tự tay thắp hương, dâng hoa lên bàn thờ Bác, đoàn kiều bào xúc động, tự hào về Bác, tự hào về quê hương đất Việt đã sinh ra Bác.

Dù đã thấm mệt do nhiều ngày qua phải liên tục di chuyển qua quãng đường dài, đến nhiều địa phương, nhưng chiều 11/4, đoàn kiều bào trở về từ nhiều nước trên thế giới vẫn háo hức mong chờ được đến thăm Khu di tích Kim Liên nằm trên địa bàn xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Khi đoàn xe chở kiều bào vừa dừng bánh, bà con đã nhanh chóng hòa mình trong dòng người đông đúc các du khách đến từ khắp mọi miền Tổ quốc, để xem từng nếp nhà tranh, mảnh vườn nhỏ, các vật dụng đơn sơ trong khu di tích.

Được tự tay thắp hương, dâng hoa lên bàn thờ Bác; được ngắm nhìn, dạo bước trong khuôn viên khu di tích; thăm mái nhà tranh thôn quê gắn với cuộc sống nơi quê nhà của Bác Hồ và gia đình, ai cũng xúc động, tự hào về Bác, gia đình Bác, tự hào về quê hương đất Việt đã sinh ra Bác.

Trong số kiều bào về thăm quê lần này, có người lần đầu tiên đến quê Bác, cũng có người đã may mắn 2-3 lần đến đây.

Chị Bùi Thị An, người đã sống ở Tây Ban Nha trên 35 năm, lần đầu về quê Bác, xúc động nói trong nước mắt: "Mình tự hào là người con của đất Việt, có Bác Hồ - vị lãnh tụ thiên tài, nhà cách mạng lỗi lạc."

Là kiều bào ở xa Tổ quốc, chưa lần nào được đến quê Bác nên chị mong sớm được tận mắt chứng kiến vùng quê nơi Bác sinh thành, gắn bó thời thơ ấu.

Tận mắt thấy làng quê Việt Nam bình dị đã sinh ra một người con vĩ đại của đất nước, của dân tộc, chị rất xúc động và càng thêm tự hào về quê hương đất nước, về dòng máu Việt Nam.

Cùng chung tâm trạng như chị Bùi Thị An, bác Nguyễn Bá Thuận, 72 tuổi, trở về từ Đan Mạch, cũng rất xúc động, tự hào khi được đặt chân lên quê hương Bác Hồ, tận mắt thấy cuộc sống của Bác và gia đình.

Bác Thuận cho biết đây là lần thứ 2 bác đến quê Bác Hồ. Lần đầu là từ năm 1996, ngày đó khu di tích Kim Liên chưa được khang trang, sạch đẹp như bây giờ.

Bác Thuận vẫn nhớ những mái nhà, những hàng dâm bụt trước hiên nhà, nhớ mảnh vườn bên ngôi nhà đơn sơ ở quê ngoại, quê nội Bác, những ao sen trong làng Kim Liên.

Sau nhiều năm trở lại, bác Thuận nhận thấy khu di tích Kim Liên và quê hương Bác đã đổi khác rất nhiều so với trước. Điều đó cho thấy sự đổi mới, đi lên của đất nước và kiều bào ở xa quê càng có trách nhiệm hơn với đất nước, quê hương.

Ông Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết hàng năm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đều tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa dành cho kiều bào. Chuyến đi này cũng là hoạt động thường niên cùng với các hoạt động khác, đều có chung một mục tiêu là tăng cường mối gắn kết giữa kiều bào với nhau, giữa kiều bào với quê hương, nguồn cội.

Về quê Bác, đến thăm Khu di tích Kim Liên, kiều bào càng hiểu hơn về vùng đất sinh ra Bác, hiểu thêm về Bác, để càng tự hào hơn về đất nước, về cội nguồn dân tộc Việt Nam. Dù đi khắp bốn phương, nhưng cội nguồn dân tộc, cội nguồn đất nước mãi mãi trong tim kiều bào, không gì lay chuyển.

Kiều bào xúc động và thành kính khi về thăm quê Bác ảnh 1Đoàn kiều bào thăm quê ngoại Bác Hồ ở xã kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/Vietnam+)
Kiều bào xúc động và thành kính khi về thăm quê Bác ảnh 2Đoàn kiều bào thăm quê nội Bác Hồ ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/Vietnam+)
Kiều bào xúc động và thành kính khi về thăm quê Bác ảnh 3Đoàn kiều bào thăm quê nội Bác Hồ ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/Vietnam+)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục