Kiều hối - nguồn lực quan trọng bổ sung cho mạch máu kinh tế

Trong thời gian qua Việt Nam luôn nằm trong danh sách 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất trong khối ASEAN và là một nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.
Kiều hối - nguồn lực quan trọng bổ sung cho mạch máu kinh tế ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hiện nay, ngày càng nhiều người Việt ra nước ngoài làm ăn, đồng ngoại tệ hàng tháng của họ gửi về không chỉ để nuôi sống gia đình mà xa hơn là góp phần khơi thông và bổ sung cho mạch máu kinh tế quốc gia.

Theo số liệu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có gần 5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chính vì vậy, trong thời gian qua Việt Nam luôn nằm trong danh sách 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất trong khối ASEAN và là một nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.

Các thị trường chiếm tỷ trọng lớn cho nguồn cung kiều hối về Việt Nam là Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga...

“Thay da đổi thịt” nhờ kiều hối

Nhìn vào ngôi nhà 3 tầng khang trang mới được xây cách đây không lâu, không ai nghĩ đây lại là nhà của gia đình anh Phạm Văn Thanh (xã Nhân Mỹ, Lý Nhân, Hà Nam). Chỉ cách đây vài năm, gia đình anh vẫn còn là một trong những hộ nghèo của xã, cuộc sống hàng ngày khá vất vả, bố thì đau ốm liên tục nên trong nhà hầu như không có gì đáng giá.

[Lượng kiều hối đổ về Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 3 tỷ USD]

 

Anh Thanh kể, năm 2013, ở địa phương có một vài người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, anh đã bàn với bố mẹ đem sổ đỏ thế chấp ngân hàng để vay tiền đi học tiếng Hàn, sau đó anh đã trúng tuyển đi lao động ở Hàn Quốc. Năm đầu tiên làm việc nơi xứ người, số tiền kiếm được chỉ đủ để trả nợ và sửa sang lại căn nhà cho đỡ mưa nắng. Nhưng, từ năm thứ hai trở đi, tiền của anh gửi về được gia đình đem gửi ngân hàng. Khi số tiền lớn dần, anh đã mua được mảnh đất và xây ngôi nhà 3 tầng khang trang…

Có vốn, anh Thanh đầu tư vào buôn bán thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. “Với việc kinh doanh nhỏ này, gia đình tôi cũng đủ chi tiêu và còn để ra được một chút. Sắp tới tôi định xây thêm chuồng trại để nuôi lợn và gà," anh nói.

Cũng giống gia đình anh Thanh, nhiều gia đình ở Nghệ An có người thân đi lao động xuất khẩu đã có cuộc sống ổn định, xây dựng được nhà cao tầng, mua sắm xe hơi và các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Nhiều nơi trở thành làng, xã biệt thự mà sự đổi thay ấy phần lớn là nhờ xuất khẩu lao động.

Bà Nguyễn Thị Yến (huyện Yên Thành) cho biết nhà có 3 người con là con đẻ, con dâu lao động ở Nhật Bản, Ba Lan, Đức gửi về hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhờ đó, gia đình bà đã xây cất được ngôi nhà vườn trị giá hơn 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mỗi người con cũng mua được mảnh đất đẹp ngoài thị trấn để khi về nước có thể lấy chỗ buôn bán.

"Nếu không có nguồn thu nhập từ các con gửi về đều đặn thì cuộc sống sẽ rất khó khăn vì nhà nông chúng tôi chẳng biết làm gì ra tiền, cuộc sống hàng ngày tạm gọi là đủ ăn thôi," bà Yến chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều làng quê ở các tỉnh khác cũng "thay da, đổi thịt" nhờ nguồn tiền này như Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Tĩnh...

Một lãnh đạo của Hà Tĩnh cho biết, nhiều ngôi làng vốn từng rất nghèo, thậm chí còn không xuất hiện trên bản đồ thì giờ đây, những căn nhà mới khang trang xuất hiện ngày càng nhiều.

Chuyển tiền đồng để hưởng lãi suất cao

Bên cạnh nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam để người thân trong gia đình mua đất, mua nhà thì phần lớn đã chảy vào các ngân hàng bằng việc bán lại ngoại tệ để lấy VND gửi tiết kiệm.

Mặc dù đến thời điểm này, số kiều hối về Việt Nam chưa có con số chính xác nhưng các chuyên gia nhận định năm 2018 sẽ tăng khoảng từ 7-10% so với năm ngoái.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương luôn dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn kiều hối nhàn rỗi khi năm 2017, địa phương này đã thu hút được 5 tỷ USD. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, 10 tháng qua, lượng kiều hối chuyển qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đạt 3,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông Minh, thông thường các tháng cuối năm lượng kiều hối sẽ tăng mạnh và dự báo năm 2018 Thành phố sẽ đạt con số 5,2 tỷ USD. Kiều hối chuyển về nước chủ yếu từ thị trường Mỹ (khoảng 60%), các nước châu Âu (khoảng 19%)...

Kiều hối - nguồn lực quan trọng bổ sung cho mạch máu kinh tế ảnh 2Mua bán ngoại tệ tại ngân hàng. (Nguồn: CTV)

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dương, một Việt kiều đang sống tại Cộng hòa Séc cho biết vừa gửi về cho người thân ở trong nước 150.000 USD để chuyển sang tiền đồng gửi tiết kiệm lấy lãi. Ông Dương phân tích, hiện nay tại Việt Nam nếu gửi tiết kiệm tiền USD sẽ không được hưởng lãi suất, trong khi ông cũng không buôn bán gì nên không cần dự trữ ngoại tệ. Với số ngoai tệ trên tính ra VND được khoảng 3,45 tỷ đồng, gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm lãi suất từ 7-7,2% sẽ được hưởng tiền lãi từ 288-298 triệu đồng mỗi năm.

Hiện các ngân hàng trong nước đang tăng lãi suất huy động tiền đồng, đặc biệt là những kỳ hạn dài trên 12 tháng để đáp ứng nhu cầu vay vốn cuối năm cũng như đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định. Theo đó, lãi suất huy động tiền đồng ở một số ngân hàng đã lên trên 8%/năm, thậm chí có nhà băng còn treo mức 8,6%/năm. Chính vì vậy một số chuyên gia cho rằng Việt kiều gửi tiết kiệm VND có lợi hơn rất nhiều.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu (cũng là một việt Kiều Mỹ) cho biết, các ngân hàng ở Mỹ hiện trả lãi khoảng 2%/năm trong khi trong nước trả lãi lên đến 7-8%/năm đối với kỳ hạn gửi trên 12 tháng. Tính cả phần tiền đồng mất giá 3% từ đầu năm đến nay, thì việc gửi tiền về nước cũng hưởng được lãi 4%, gấp đôi ở Mỹ.

Hiện nay, nguồn kiều hối được chuyển vào Việt Nam thông qua các kênh chính thức bao gồm các công ty kiều hối, các ngân thương mại được phép làm dịch vụ chuyển tiền quốc tế, các công ty chuyển tiền, công ty bưu chính. Các tổ chức này chịu sự quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó là các kênh chuyển tiền không chính thức và nhiều nhất vẫn là qua các đường dây chuyển tiền...

Theo các chuyên gia, kiều hối đóng vai trò quan trọng góp phần làm giảm sự thiếu hụt cán cân vãng lai và là nguồn cung ngoại tệ cho nền kinh tế. Không chỉ vậy, kiều hối còn giúp Việt Nam hạn chế rủi ro trong huy động vốn và giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài. Nếu so sánh về quy mô dòng kiều hối chảy vào Việt Nam qua con đường chính thức và dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam là tương đương nhau.

Ông Hiếu phân tích, trước đây, kiều hối chủ yếu là trang trải chi phí cho người thân ở Việt Nam nhưng những năm sau này thì lượng kiều hối đổ vào Việt Nam với mục đích đầu tư ngày càng nhiều hơn như đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, các hoạt động sản xuất kinh doanh...

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng đưa ra lập luận, chính sách tỷ giá ổn định, linh hoạt đã có tác động tích cực đến dòng kiều hối chảy về Việt Nam trong những năm qua. Bất kỳ nhà đầu tư nào cũng đều mong muốn tỷ giá tại nước mình đầu tư không bị biến động quá mạnh. Bởi nếu tỷ giá tăng mạnh trong khi nguồn thu chính tại thị trường Việt Nam là tiền đồng thì khi muốn chuyển tiền về đất nước của nhà đầu tư đang sinh sống (ở nước ngoài) sẽ gặp bất lợi. Ông Hiếu cũng cho rằng, năm 2018 lượng kiều hối đổ về Việt Nam sẽ tiếp tục cao hơn trước.

"Tôi nghĩ rằng, tỷ giá điều chỉnh trong chừng mực khoảng 3% là một mức độ phù hợp, vừa động viên kiều bào đầu tư, vừa tạo ra cho họ sự yên tâm đồng tiền bản địa không mất giá," ông Hiếu chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng phân tích, môi trường đầu tư trong nước ngày càng được cải thiện. Nhà nước ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho kiều bào đầu tư về nước, trong đó, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã đưa ra nhiều ưu tiên cho pháp triển các doanh nghiệp tư nhân. Điều này đã thúc đẩy Việt kiều gửi tiền về nước để tiến hành hoạt động đầu tư sản xuất - kinh doanh nhiều hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.