Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm sụt giảm mạnh

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 3 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, mặt hàng tôm có sự sụt giảm khá mạnh.
Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy. (Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 3 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn là tôm (năm 2014 chiếm khoảng 50%) đã có sự sụt giảm khá mạnh (khoảng 28%), đạt 1,3 tỷ USD.

Về thị trường tôm, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết thông thường vào tháng Sáu, các nhà nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu mua nhiều. Năm nay, xu hướng này không giống như những năm trước, nhu cầu giảm lại. Có thể là các nhà nhập khẩu đang trông chờ vào giá giảm, khi hiện nay nguồn cung của thế giới đang cao. Chẳng hạn như tôm chân trắng (70 con/kg) năm 2014 tại Ấn Độ vào khoảng 340 rupee/kg nhưng tháng 6/2015 chỉ còn 220 rupee/kg. Xu hướng giảm như vậy cũng diễn ra tại Thái Lan.

Đối với Việt Nam, giá tôm cũng giảm nhưng không nhiều như các nước trên. Có thể các nhà nhập khẩu đang cần hàng nhưng họ lại mua vào cầm chừng, ông Nguyễn Hoài Nam nhận định.

Xu hướng thứ 2 được ông Nguyễn Hoài Nam chỉ ra là về cỡ tôm. Mặt hàng tôm chân trắng đang là một xu hướng của các nhà nhập khẩu nhưng nhập cỡ nhỏ nhiều hơn. Vì vậy, đến nay, việc ký các đơn hàng cũng chưa nhiều, kể cả các nước như Ấn Độ, Thái Lan.

Điều đáng lưu tâm là đa số các thị trường nhập khẩu tôm đều giảm, đặc biệt nhất là thị trường Mỹ. Đây là thị trường lớn thường chi phối cả về lượng và giá. Liên tục từ đầu năm đến nay thị trường này có mức giảm khá lớn, tới 52%. Như trong tháng Năm, Việt Nam xuất khẩu được nhiều nhất cũng chỉ được trên 48 triệu USD, giảm 46% so với tháng Năm năm ngoái. Các thị trường khác như Nhật Bản, ASEAN và Australia cũng giảm.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết chỉ có 2 thị trường tăng nhưng lại là thị trường không nằm trong tính toán từ xưa đến nay của các doanh nghiệp là Anh và Singapore. Như Anh, trước đây, thị trường này mỗi tháng chỉ 3-4 triệu USD, nhưng tháng Năm đã nhập khoảng 9,5 triệu USD.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, nguyên nhân nghiêng nhiều hơn về khía cạnh thị trường chứ không phải là khía cạnh sản xuất. Thứ nhất là dịch bệnh hội chứng tôm chết sớm (EMS) được khắc phục nhiều ở các nước sản xuất lớn nên nguồn cung toàn cầu đã tăng từ 3,4 triệu tấn lên 3,6 triệu tấn. Cộng với có những ưu đãi thuế quan nên châu Âu nghiêng về nhập tôm của châu Mỹ nhiều hơn là châu Á.

Lý do thứ hai là nhu cầu của các thị trường chính (tính thời điểm tháng Sáu, thời điểm cao điểm nhất của thị trường) thấy rằng vẫn đang yếu hơn so với mọi năm. Lý do thứ ba là giá giảm. Khi giá giảm để cân đối cung cầu thì việc ký đơn hàng hay tập trung nguồn hàng sẽ khác với mọi năm.

Qua đánh giá tình hình xuất khẩu mặt hàng tôm, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng xuất khẩu được 3,9 tỷ USD từ mặt hàng tôm như năm ngoái đã là con số thành công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục