Kinh nghiệm khoa cử Nho học về tuyển chọn nhân tài cho đất nước

Tại hội thảo quốc tế “Khoa cử Nho học Việt Nam," các nhà khoa học làm rõ về các giá trị văn hóa và lịch sử của chế độ khoa cử Nho giáo, từ đó đề xuất các giải pháp tuyển chọn nhân tài cho đất nước.
Kinh nghiệm khoa cử Nho học về tuyển chọn nhân tài cho đất nước ảnh 1Bia Tiến sỹ Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Nguồn: Vietnam+)

Ngày 15/8, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Khoa cử Nho học Việt Nam (1075-1919): 100 năm nhìn lại.”

Sự kiện thu hút đông đảo các học giả trong nước và quốc tế tham gia.

Theo tiến sỹ Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20 đã chứng kiến sự thay đổi của một trong những lĩnh vực gây tác động sâu sắc nhất đến thượng tầng kiến trúc xã hội, đó là lĩnh vực giáo dục.

Khoa cử Nho học với lịch sử 844 năm bắt rễ trong xã hội Việt Nam đã mất đi địa vị độc tôn của nó để thay thế bằng một hệ thống giáo dục kiểu mới, kéo theo sự lay chuyển của nền tảng tư tưởng, đạo đức, triết lý xã hội, và thực tiễn khoa học.

Bản thân các nhà Nho cấp tiến của Việt Nam lúc đó đã nhận thấy sự lỗi thời của Khoa cử Nho học. Từ đó, họ chủ trương một phong trào Duy tân dựa trên những nguyên tắc giáo dục mới và ủng hộ những cải cách giáo dục sâu rộng diễn ra vào đầu thế kỷ 20 nhằm xóa bỏ lối cử nghiệp Nho học.

[Lễ hội truyền thống tại làng khoa bảng độc nhất vô nhị ở Việt Nam]

Năm 1919 kỳ thi Hội cuối cùng diễn ra ở Trung Kỳ và Dụ ngày 14/7/1919 của vua Khải Định tuyên bố về việc áp dụng Luật giáo dục mới đã chính thức đặt dấu chấm hết cho Khoa cử Nho học truyền thống để chuyển sang hệ thống giáo dục kiểu mới, sau bước đệm là chương trình cải lương giáo dục khoa cử từ năm 1906.

Tuy nhiên, trên thực tế, ảnh hưởng của nền Khoa cử truyền thống ấy vẫn còn sâu đậm trong ý thức xã hội Việt Nam sau này.

Việc trở lại với những giá trị Nho giáo từ đạo đức học đường tới tư tưởng quản trị xã hội vẫn thường xuyên được đặt ra, ngay cả khi nền giáo dục hiện đại đã tìm được chỗ đứng vững chắc của nó trong xã hội.

Năm 2019 đánh dấu 100 năm khép lại khoa cử truyền thống. Mặc dù thiết chế chính thức của nền giáo dục Nho học bị bãi bỏ nhưng ảnh hưởng của nó dường như vẫn bám chặt vào mọi mặt đời sống xã hội nước ta.

Hội thảo này nhằm tạo ra một diễn đàn khoa học có chất lượng cao để các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam và quốc tế thảo luận về tiến trình phát triển của khoa cử Nho học và những ảnh hưởng sâu rộng của khoa cử Nho học trong lịch sử văn hóa Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ về các giá trị văn hóa và lịch sử của chế độ khoa cử Nho giáo ở Việt Nam, nêu ra những mối quan hệ giữa khoa cử Việt Nam với khoa cử Đông Á thời xưa; kinh nghiệm của khoa cử Nho giáo Đông Á ngày xưa đối với nền giáo dục hiện đại ngày nay.

Từ kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đề xuất các giải pháp, tư vấn cho Đảng, Nhà nước hoạch định các chính sách trên lĩnh vực giáo dục và tuyển chọn nhân tài cho đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục