Kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2014-2015

Báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” của WB dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 6% trong tài khóa 2014-2015.

Báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” vừa công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 6% trong tài khóa 2014-2015 và 7,1% trong năm 2015-2016, nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi và đầu tư trong nước tăng.

Theo báo cáo trên, tại Nam Á, sau nhiều năm lạm phát và thâm hụt cán cân thanh toán vãng lai (CAD) tăng, tăng trưởng GDP thấp, nền kinh tế Ấn Độ sẽ dần dần phục hồi.

Hoạt động tốt hơn của nền kinh tế Ấn Độ sẽ có tác động mạnh đến tăng trưởng của khu vực - dự kiến đạt 5,7% năm 2014 và 6,7% năm 2016 so với mức dự báo chỉ đạt 4,6% trong năm 2013, chủ yếu do tăng trưởng yếu tại Ấn Độ.

GDP của Pakistan dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 3,4% trong tài khóa 2013-2014 và sau đó sẽ tăng lên 4,5% trong trung hạn.

Ông Kaushik Basu, nhà kinh tế trưởng và là Phó Chủ tịch WB, nói rằng những chỉ số kinh tế toàn cầu đã thể hiện sự phục hồi song vẫn tiềm ẩn nguy cơ bởi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thoát khỏi khủng hoảng nhưng thu nhập bình quân tính theo đầu người tại nhiều nước vẫn giảm.

Ông cho biết, WB dự đoán tăng trưởng tại các nước đang phát triển sẽ đạt hơn 5% trong năm 2014, với một số nước sẽ tăng mạnh hơn, chẳng hạn như Angola sẽ đạt khoảng 8%, Trung Quốc 7,7% và Ấn Độ 6,2%.

Cũng theo báo cáo của WB, kiều hối vào các nước Nam Á ước tính tăng 6,8% trong năm 2013 so với mức tăng 9,7% của năm 2012.

Kiều hối vào Ấn Độ giảm trong quý Một, nhưng do đồng rupee mất giá nên giá trị kiều hối ước tính đạt 71 tỷ USD trong cả năm 2013.

Báo cáo cũng dự đoán GDP toàn cầu có thể tăng 3,2% trong năm 2014 so với mức tăng 2,4% năm 2013, sẽ đạt 3,4% năm 2015 và 3,5% năm 2016.

Kinh tế toàn cầu trong năm nay dự kiến tăng nhờ sự tăng trưởng tại các nước đang phát triển, trong khi các nền kinh tế có thu nhập cao có vẻ cuối cùng sẽ phục hồi sau năm năm khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ông Jim Yong Kim, Chủ tịch World Bank Group, nhận định: “Tăng trưởng có khả năng sẽ được tăng cường tại các nước đang phát triển và các nền kinh tế có thu nhập cao, song nguy cơ suy giảm tiếp tục đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu."

Theo ông Jim Yong Kim, "hoạt động tại các nền kinh tế tiên tiến đang lấy lại đà và điều này sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng mạnh hơn tại các nước đang phát triển trong những tháng tới. Tuy nhiên, để đẩy mạnh chương trình giảm nghèo đói, các nền kinh tế đang phát triển cần triển khai các biện pháp cải cách cơ cấu nhằm tạo việc làm, tăng cường hệ thống tài chính và các hệ thống an ninh xã hội.”./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục