Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) tiếp tục kéo thêm một "đám mây" u ám vào bầu trời kinh tế vốn ảm đạm của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) khi công bố báo cáo cho hay kim ngạch xuất khẩu của khu vực này tiếp tục giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng Tám vừa qua, đồng thời tỷ lệ lạm phát tháng Chín vừa qua cũng hạ xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Cụ thể, theo Eurostat, kim ngạch xuất khẩu của Eurozone trong tháng Tám năm nay đã giảm 0,9% so với tháng trước đó, xuống 140,5 tỷ euro (khoảng 180 tỷ USD), còn kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 3,1% sau ba tháng đi lên liên tiếp.
Đây là tháng thứ ba liên tiếp hoạt động xuất khẩu của liên minh tiền tệ gồm 18 nước thành viên này sụt giảm, khiến thặng dư thương mại tháng Tám vừa qua của khu vực cũng tụt xuống còn 9,2 tỷ euro, so với mức thặng dư 21,6 tỷ euro của tháng trước đó.
Trong khi đó, Đức - nền kinh tế "đầu tàu" châu Âu - tiếp tục là nước ghi nhận mức thặng dư thương mại lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) trong tháng Tám, với 124,5 tỷ euro, xếp sau đó là Hà Lan với 34,6 tỷ euro. Trái ngược với xu hướng này, Anh là nước có mức thâm hụt thương mại lớn nhất EU, theo sau đó là Pháp, Tây Ban Nha và Hy Lạp.
Cũng trong báo cáo công bố cùng này, Eurostat cho biết lạm phát của Eurozone trong tháng Chín vừa qua đã giảm xuống 0,3%, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2009. Đây là hiện vấn đề nổi cộm nhất đối với kinh tế Eurozone, giữa bối cảnh nhu cầu của các hộ gia đình và doanh nghiệp yếu làm chậm đà tăng của giá cả, qua đó thổi bùng lên mối lo về nguy cơ thiểu phát.
Trước đó, nền kinh tế Eurozone cũng phải đón nhận một loạt các số liệu đáng thất vọng như sản lượng công nghiệp tháng Tám vừa qua giảm 1,8%, tăng trưởng 0% trong quý 2 năm nay và chỉ số lòng tin đầu tư của Đức trong tháng 10 hạ xuống mức thấp nhất trong gần hai năm qua. Điều này càng khiến nhiều người bi quan hơn về viễn cảnh kinh tế Eurozone, vốn được coi là mối rủi ro lớn đối với nền kinh tế toàn cầu hiện còn chưa ổn định.
Tại hội nghị của các bộ trưởng tài chính Eurozone ở Luxembourg tuần trước, các bộ trưởng đã nhất trí rằng phải sớm có hành động chính sách để thúc đẩy đầu tư, đưa nền kinh tế Eurozone thoát khỏi tình trạng tăng trưởng yếu kém, không chỉ trong ngắn hạn mà còn về dài hạn.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi đã hối thúc các nước vẫn có thể tăng chi tiêu hãy chi nhiều hơn, còn các nước như Pháp và Italy được kêu gọi nới lỏng quy định để tạo môi trường kinh doanh thân thiện hơn, khuyến khích đầu tư mới./.