Miền Trung-Đòn gánh yếu khó nâng hai "đầu tàu" cất cánh

Kinh tế miền Trung: Đòn gánh yếu khó nâng hai "đầu tàu" cất cánh

Miền Trung với vị trí là “đòn gánh hai đầu đất nước" mà chưa cất cánh, thì cả nước với hai động lực phát triển Bắc Bộ và Nam Bộ cũng chưa thể "bay" lên thật sự.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Duy Cường)

Khu vực kinh tế miền Trung mặc dù nằm ở vị trí được đánh giá là “mặt tiền” của đất nước trong quan hệ kinh tế quốc tế, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng mức đầu tư cho khu vực này còn rất khiêm tốn, khiến lợi thế so sánh của vùng là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông-Tây chưa được khai thác và phát huy đầy đủ... dẫn đến tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh nên đời sống của đa phần người dân vẫn còn rất khó khăn.


Gánh hai đầu đất nước

Tại Diễn đàn kinh tế miền Trung-Giải pháp huy động sức mạnh miền Trung trong giai đoạn mới, ngày 15/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vùng Duyên hải miền Trung hiện chiếm 29% diện tích tự nhiên và khoảng 12,8% dân số của cả nước và được đánh giá là khu vực có vị trí địa kinh tế, chính trị quan trọng mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

“Tăng trưởng kinh tế của cả vùng trong những năm gần đây bình quân khoảng 6%, tổng GDP của vùng chiếm khoảng 14% GDP cả nước. Tuy vậy, so với mức bình quân chung, GDP bình quân đầu người của các tỉnh trong vùng còn tương đối thấp. Cơ cấu kinh tế của các tỉnh trong vùng chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng còn chậm,” Phó Thủ tướng đánh giá.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những thách thức lớn mà miền Trung đang phải đối mặt, đó là trình độ phát triển thấp hơn so với nhiều vùng trong cả nước. Thiên nhiên ở đây khắc nghiệt, thường xuyên hứng chịu bão, trong điều kiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội còn thiếu, yếu và chưa đồng bộ. Địa hình chia cắt nên tính liên kết trong sản xuất kinh doanh giữa các địa phương trong vùng không cao.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, “như mọi người đều biết, những diễn biến phức tạp ở các vùng biển, trong đó có biển Đông với việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam là những thách thức rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, nhất là kinh tế biển và bảo đảm an ninh, quốc phòng trên phạm vi cả nước nói chung cũng như đối với vùng Duyên hải miền Trung, nơi có vị trí đặc biệt quan trọng.”

Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: "Miền Trung, với vị trí và chiều dài tạo thành xương sống quốc gia hay cái đòn gánh hai đầu đất nước chưa cất cánh thì cả nước với hai động lực phát triển (Bắc Bộ và Nam Bộ) với thế mạnh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 'đầu tàu' cũng chưa thể 'bay' lên thật sự."

“Để đất nước cất cánh thật sự, phải dành cho công cuộc phát triển miền Trung một sự quan tâm đúng tầm, đúng cách.”

Diễn đàn Kinh tế miền Trung-Giải pháp huy động sức mạnh miền Trung trong giai đoạn mới, ngày 15/8. (Ảnh: Thanh Liêm)

Phát triển theo đặc thù địa lý

Theo ông Thiên, với tất cả sự khác biệt và đặc sắc của mình, miền Trung không thể phát triển theo cách của miền Nam và miền Bắc. Cụ thể, miền Trung không thể phát triển công nghiệp và nông nghiệp, cũng không thể phát triển du lịch và đô thị giống như ở Bắc Bộ và Nam Bộ.

Với phân bố địa lý và kiểu dáng đặc biệt của mình, miền Trung cũng không thể liên kết nội vùng, liên kết liên vùng, liên kết với thế giới giống như liên kết của hai trên.

“Đây là một chân lý và rất đơn giản về mặt thực tiễn. Tuy nhiên, nó cũng chỉ được nhận thức ‘ngày càng rõ hơn’ trong mấy năm gần đây, khi mà trước đó tư duy phát triển và việc thiết kế chiến lược vẫn chưa thoát khỏi sự ám ảnh của công thức phát triển mang nặng tính khuôn mẫu cứng nhắc ‘nước công nghiệp, tỉnh công nghiệp’ được áp dụng cho hầu như tất cả các vùng và các tỉnh,” ông Thiên nói.

Theo đó, ông Thiên đặt vấn đề: “Vậy thì miền Trung phát triển cái gì, như thế nào, với ai, để có thể bứt phá phát triển, để có thể, thậm chí, mở đường cất cánh cho cả nước?”

Tại Diễn đàn, ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã đề xuất hướng giải pháp cho chiến lược pháp triển kinh tế-xã hội khu vực miền Trung.

Theo đó ông Huệ cho rằng, Nhà nước cần rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế vùng trên cơ sở lợi thế so sánh của từng địa phương, khắc phục không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính.

Tạo lập thể chế kinh tế ưu đãi cho các vùng kinh tế trọng điểm thực sự trở thành đầu tàu, động lực lan tỏa vùng ngoại vi và cả nước. Đảm bảo thể chế kinh tế xây dựng theo hướng hiện đại, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế cho các khu kinh tế, nhất là đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thể nghiệm thể chế mới.

Ngoài ra, ông Huệ khẳng định phải phát triển mạnh kinh tế biển đảo, nhất là cảng biển, vận tải biển, đóng và sửa chữa tầu biển, các dịch vụ hậu cần, du lịch, dầu khí, khai thác hải sản xa bờ… gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển.

Theo ông Huệ, để làm được điều này cần hoàn thiện thể chế phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, vừa đảm bảo tập trung thống nhất của nền kinh tế vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương.

Còn theo ông Thiên, hiện 9 tỉnh Duyên hải miền Trung đã “tự nguyện liên kết” với nhau và làm được khá nhiều việc theo hướng liên kết để tạo sức mạnh phát triển, tăng cường năng lực hội nhập quốc tế. Song cũng như cả nước, miền Trung vẫn chưa có một thể chế chính thức, chính danh nhà nước để tổ chức, điều hành quá trình liên kết phát triển vùng một cách hiệu quả, trên cơ sở một Quy hoạch phát triển vùng tốt, theo nghĩa có tầm nhìn chiến lược (xa và tổng thể,) bảo đảm kết hợp tối ưu lợi ích phát triển của các chủ thể tham gia.

Mặc dù có nhiều thế mạnh “tự nhiên, vốn có” nhưng suốt cả một thời kỳ lịch sử hàng năm, miền Trung vẫn nghèo, vẫn không thể làm giàu với những tiềm năng to lớn đó.

Do đó, ông Thiên ví von, “chỉ đến thời đại toàn cầu hóa-hội nhập phát triển và khi thế giới thật sự chuyển sang thời đại công nghệ cao, ‘nàng công chúa ngủ trên bãi biển’ miền Trung mới được đánh thức.

Miền Trung phải có được cơ cấu kinh tế đặc thù ở đẳng cấp phát triển, đó là đô thị-cảng biển hiện đại, du lịch-dịch vụ đẳng cấp cao, các ngành công nghệ cao”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục