Trong khuôn khổ cuộc gặp diễn ra bên lề cuộc họp mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các bộ trưởng tài chính và thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhìn nhận về thực trạng của kinh tế toàn cầu, khi mà triển vọng của nền kinh tế số một thế giới là Mỹ cũng chưa tươi sáng hẳn.
Mặc dù vậy, ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, hiện đang có lý do để hy vọng vào kinh tế châu Âu, bất chấp việc tăng trưởng vẫn ở mức thấp và tỷ lệ thất nghiệp khá cao.
Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng ING, nhận định tình hình kinh tế châu Âu sẽ “đảo chiều” trong năm 2015.
Năm nay sẽ xoay quanh tình hình kinh tế Mỹ và Trung Quốc hơn là Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Kế hoạch của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mua trái phiếu chính phủ trị giá 60 tỷ euro mỗi tháng được cho là đã đạt được những thành công ban đầu trong việc đẩy lùi giảm phát trong khu vực, góp phần giúp hoạt động tín dụng ngân hàng khởi sắc và trấn an dư luận về những tranh cãi liên quan đến vấn đề nợ công của Hy Lạp.
Đối với Mỹ, mặc dù các chuyên gia vẫn đặt niềm tin vào đà phục hồi mạnh của nền kinh tế này nhưng những người mua hàng lại tỏ ra thận trọng và chưa tiêu phần lớn số tiền mà họ tiết kiệm được từ việc giá xăng dầu xuống thấp.
Giới phân tích cho rằng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ (dự kiến sẽ được công bố vào ngày 17/4), sau khi loại bỏ các tác động của giá năng lượng và chi phí thực phẩm, sẽ chỉ tăng 0,1% trong tháng 3/2015 so với tháng trước đó.
Những thông tin kém khả quan này, cùng số liệu đáng thất vọng về tình hình việc làm tại Mỹ trong tháng trước, đang khiến giới đầu tư tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ lùi thời điểm tăng lãi suất đến tháng 10 hoặc thậm chí là tháng 12 năm nay.
Còn Trung Quốc, quốc gia vốn là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới, đang phải đối mặt với nguy cơ nhịp độ tăng trưởng theo quý tụt xuống mức thấp nhất của 25 năm là 7%, bất chấp việc chính phủ nước này đã cắt giảm lãi suất hai lần để kích cầu./.