Kinh tế toàn cầu trước triển vọng lạc quan cho năm 2024

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nhận định kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ tăng trưởng vượt dự báo, nhờ tăng trưởng thu nhập mạnh, niềm tin rằng những tác động tồi tệ từ việc tăng lãi suất mạnh đã qua.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ ngày 29/11/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các tổ chức quốc tế mới đây đã có những nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của toàn cầu trong năm tới.

Các chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát đã gây ra những trở ngại cho nền kinh tế nhưng những tác động tồi tệ nhất được cho là đã qua.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nhận định kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ tăng trưởng vượt dự báo, nhờ tăng trưởng thu nhập mạnh và niềm tin rằng những tác động tồi tệ nhất từ việc tăng lãi suất mạnh đã qua.

Theo Goldman Sachs, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm tới, trên mức 2,1% theo dự báo của các nhà phân tích tham gia khảo sát của Bloomberg.

Goldman Sachs cũng cho rằng các chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt gần như không còn gây ra những trở ngại lớn.

Nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs, Jan Hatzius, cho rằng chính sách tài khóa và việc tăng lãi suất vẫn tiếp tục tác động đến tăng trưởng tại các nền kinh tế, nhưng giai đoạn chịu tác động mạnh nhất đã qua.

Kinh tế Mỹ được cho là tiếp tục tăng trưởng vượt các thị trường phát triển khác, với 2,1%.

Để kiểm soát lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 3/2022, khi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong 40 năm.

Theo Goldman Sachs, các nhà hoạch định chính sách ở các thị trường phát triển không thể hạ lãi suất trước nửa cuối năm 2024, trừ phi tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến.

Ngân hàng này nhấn mạnh rằng lạm phát tiếp tục hạ nhiệt ở các nền kinh tế thị trường mới nổi và nhóm 10 nền kinh tế phát triển (G10), và dự kiến sẽ giảm hơn nữa.

Theo báo cáo của Goldman Sachs, các nhà kinh tế của ngân hàng này dự báo đà giảm của lạm phát trong năm nay sẽ tiếp tục trong năm tới, với lạm phát lõi sẽ giảm từ 3% hiện nay xuống trung bình 2-2,5% trong G10 (trừ Nhật Bản).

Việc thu nhập thực tế tăng đã góp phần đưa đến dự báo tăng trưởng tích cực của Goldman Sachs.

Các nhà kinh tế của ngân hàng này vẫn giữ quan điểm tăng trưởng thu nhập thực tế tại Mỹ sẽ chậm hơn, sau khi đạt mức 4% trong năm nay, nhưng vẫn hỗ trợ tiêu dùng và đảm bảo mức tăng trưởng GDP ít nhất là 2%.

Tại cả Khu vực sử dụng đồng euro và Anh, tăng trưởng thu nhập thực tế được cho là sẽ tăng mạnh, lên khoảng 2% vào cuối năm 2024.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định nền kinh tế châu Âu có khả năng sẽ sớm ngăn chặn được suy thoái kinh tế và "hạ cánh mềm."

IMF nhận định nền kinh tế châu Âu khó có thể suy thoái dù Ngân hàng Trung ương châu Âu đã liên tục tăng lãi suất trong hơn một năm qua, nhằm kiềm chế lạm phát cao.

Tiền lương tăng là yếu tố chính hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của châu Âu. Mặc dù vậy, IMF cũng lưu ý động thái tăng lương có thể dẫn tới nguy cơ gây ra áp lực lạm phát cao hơn, đặc biệt trong điều kiện năng suất không có sự cải thiện tương xứng với tiền lương mới.

Đánh giá về tăng trưởng kinh tế thuộc các khu vực khác của thế giới, IMF cho rằng không có nhiều thay đổi lớn trong ngắn hạn, các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn ẩn chứa nhiều rủi ro.

Xu hướng tích cực nhất trong hoạt động kinh tế toàn cầu hiện nay, theo IMF, là các nền kinh tế mới nổi, điển hình là Brazil. Doanh số bán lẻ của nước này được dự báo sẽ tăng nhiều hơn, sau khi các nhà hoạch định chính sách quốc gia cam kết duy trì tốc độ cắt giảm lãi suất trong những tháng tới.

Tuy nhiên, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 29/11 dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm 2023. Trước đó, hồi tháng 9/2023, tổ chức này dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 3%.

Theo OECD, kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao. Tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại trong năm tới, chủ yếu là do việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong hai năm qua.

OECD giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 ở mức 2,7%. Năm 2025, nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 3%.

Theo OECD, lạm phát đã giảm so với mức đỉnh năm ngoái và sẽ quay trở lại mức mục tiêu của ngân hàng trung ương ở hầu hết các nền kinh tế vào năm 2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục