Theo nhận định của chuyên gia Manu Bhaskaran, Giám đốc điều hành tổ chức tư vấn Centennial Asia Advisors, mặc dù đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 2008 nhưng kinh tế Trung Quốc sẽ dần hồi phục với những điều chỉnh chính sách của chính phủ và các nước láng giềng sẽ gián tiếp được hưởng lợi.
Thời gian gần đây tràn ngập tin tức về bức tranh ảm đạm của kinh tế Trung Quốc, vốn đang bị bao vây bởi hạn hán và tình trạng thiếu điện, các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ khiến niềm tin của người tiêu dùng xuống đáy, thị trường bất động sản lao dốc và các công ty vỡ nợ.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cũng ở mức cao kỷ lục trong khi giới doanh nhân đầu tư, kinh doanh theo cảm xúc khiến đầu tư chịu tổn hại nặng nề. Nghiêm trọng hơn, xuất khẩu của Trung Quốc, vốn là thế mạnh của nước này và từng không ngừng tăng trưởng, lại có thể chững lại bất cứ lúc nào. Dư luận lo ngại nền kinh tế có thể sẽ chệch hướng.
Đồng quan điểm này, chuyên gia Manu Bhaskaran cho rằng không có bất kỳ nghi ngờ nào khi nhận định kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tuy nhiên theo ông, có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ chính sách nhằm giúp xoay chuyển nền kinh tế. Vấn đề chưa rõ rằng lúc này chỉ là sự can thiệp đó sẽ mang lại hiệu quả như thế nào và tác động ra sao đến các nước châu Á.
Ông Bhaskaran nhận định kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng trong vài tháng tới mặc dù hiệu suất kinh tế tổng thể sẽ vẫn ở mức trung bình cho đến năm 2023.
Những nguy cơ nghiêm trọng
Kể từ cuối tháng 5/2022, kinh tế Trung Quốc đã thay đổi theo hướng xấu hơn. Đầu tiên, bất chấp các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khiến chính quyền nhiều tỉnh, thành phố thường xuyên phải phong tỏa các khu dân ở mức độ khác nhau.
Mặc dù cơ quan chức năng đang dần làm tốt hơn việc đảm bảo rằng các biện pháp y tế công cộng ít gây thiệt hại hơn cho hoạt động sản xuất và vận chuyển của nhà máy, song tần suất và tính chất không thể dự báo trước của những biện pháp này đang tiếp tục làm giảm chi tiêu tiêu dùng, gián tiếp làm giảm động lực để các doanh nghiệp đầu tư vào quá trình mở rộng công suất. Chình vì vậy, nhu cầu trong nước ngày càng trở nên yếu và mong manh hơn.
Thứ hai, điều kiện thời tiết xấu bất thường khiến những khó khăn về kinh tế gia tăng. Tình trạng hạn hán tồi tệ nhất, đợt nắng nóng cao kỷ lục trong vòng nhiều thập kỷ đã giáng một đòn mạnh vào hoạt động thủy điện và sản xuất lương thực.
Với thực tế thủy năng chiếm 18% sản lượng điện của Trung Quốc, vấn đề hạn hán và nắng nóng càng trở nên đáng lo ngại. Tình hình hiện tại thậm chí còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng điện năm 2021, trong đó Tứ Xuyên, tỉnh đông dân nhất Trung Quốc, đang phải chịu gánh nặng do phụ thuộc quá nhiều vào thủy điện.
Thứ ba, kinh tế toàn cầu đang suy yếu ảnh hưởng tới xuất khẩu - động lực chính thúc đẩy kinh tế Trung Quốc. Các cuộc khảo sát mới nhất cho thấy hoạt động kinh tế ở các nền kinh tế phát triển lớn đang mất đà nhanh chóng trong tháng Tám, đặc biệt là ở châu Âu và Nhật Bản, trong khi các chỉ số của kinh tế Mỹ cũng không đáng khích lệ, đặc biệt là khi lĩnh vực nhà ở đã gần như suy thoái.
Với lượng đơn đặt hàng mới ngày càng giảm và hàng tồn kho tích tụ tại khắp các nền kinh tế phát triển lớn nhất, nhu cầu nhập khẩu của các nước này sẽ yếu đi trong những tháng tới. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc - công xưởng của thế giới - sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn trong vài quý tới, làm yếu đi đáng kể động lực duy nhất của tăng trưởng.
[Các chuyên gia nhận định về khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ]
Thứ tư, suy thoái kinh tế cũng khiến thị trường bất động sản lâm vào suy giảm trầm trọng, tác động xấu tới phần còn lại của nền kinh tế và tiếp tục làm suy giảm nhu cầu. Khi các tác nhân xấu ảnh hưởng lẫn nhau, nền kinh tế đứng trước nguy cơ rơi tiếp vào vòng xoáy đi xuống. Đáng chú ý, các hoạt động liên quan đến tài sản chiếm hơn 1/5 nền kinh tế Trung Quốc nên những mặt trái tiềm ẩn càng nghiêm trọng.
Chuyên gia Manu Bhaskaran đưa ra ví dụ về việc chính quyền địa phương phụ thuộc nhiều vào việc bán đất để có nguồn thu cho các hoạt động của mình. Tuy nhiên, các yếu tố như doanh số bán nhà sụt giảm, người mua nhà tẩy chay thế chấp, chán nản với việc các chủ đầu tư bất động sản trì hoãn giao nhà xây dựng, bảng cân đối kế toán suy yếu của các công ty bất động sản và viễn cảnh giá bất động sản tiếp tục giảm đã làm giảm doanh số bán đất.
Với việc nguồn thu dần bị cạn kiệt, các chính quyền địa phương đang cắt giảm tiền bồi thường cho công chức đồng thời làm chậm chi tiêu vốn cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế đang suy yếu. Thậm chí, có thông tin cho rằng công chức ở một số thị trấn nhỏ tại tỉnh Vân Nam đã không được trả lương trong hơn sáu tháng.
Thị trường bất động sản suy yếu cũng đồng nghĩa với việc chi tiêu cho đồ đạc và thiết bị gia đình giảm, tác động ngược trở lại lĩnh vực công nghiệp. Khi các công ty xây dựng không chắc chắn rằng các doanh nghiệp phát triển bất động sản sẽ trả tiền cho mình, lĩnh vực xây dựng cũng dường như đang rơi vào tình trạng không ổn định.
Khi các vụ vỡ nợ và các căng thẳng tài chính khác gia tăng trong lĩnh vực bất động sản, rủi ro về một mớ hỗn độn tài chính ngày càng lớn.
Dấu hiệu về việc hoạch định chính sách tích cực hơn
Trong bối cảnh này, vấn đề quan trọng là các can thiệp chính sách mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Theo Giám đốc điều hành của Centennial Asia Advisors, tín hiệu lạc quan đến từ các cuộc họp không chính thức của giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tại Đới Bắc Hà vừa kết thúc có thể giúp các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh chính sách dễ dàng hơn mà không phải đối mặt với những chỉ trích.
Ông dự đoán các quyết định quan trọng nhất cho Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 sắp tới có khả năng đã được đưa ra. Bên cạnh đó, một điểm đáng chú ý có thể khiến giới hoạch định cân nhắc điều chỉnh chính sách đó là họ phải nhận ra những cách tiếp cận có mục tiêu cao và thận trọng để hỗ trợ nền kinh tế đang không hoạt động hiệu quả.
Điều này có thể được rút ra sau khi xem xét một số nhân tố. Một là, do tâm lý chán nản, nhu cầu cho vay tiêu dùng và kinh doanh đã suy yếu, ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách khuyến khích các ngân hàng cho vay và cắt giảm lãi suất để kích thích tín dụng. Điều này đã tạo ra "bẫy thanh khoản," trong đó các ngân hàng có tiền cho vay nhưng không đủ người có khả năng tín dụng.
Hai là các biện pháp đang triển khai mang lại kết quả không như kỳ vọng. Nhiều ngân hàng do dự khi xem xét các khoản vay đối với các bộ phận bị hạn chế về tín dụng của nền kinh tế, chủ yếu là các công ty khu vực tư nhân nhỏ, do lo ngại nợ xấu. Khối này đang tuân thủ các chỉ thị của chính phủ theo nhiều cách khác nhau, thậm chí cung cấp các khoản vay cho các công ty có nền tảng tài chính ổn định khi mà số này không cần vốn.
Nếu nhìn vào tuyên bố của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sau cuộc họp tại Đới Bắc Hà, dường như có thêm cảm giác cấp bách về phục hồi kinh tế. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã triệu tập quan chức của các tỉnh đầu tàu kinh tế quốc gia như Giang Tô, Chiết Giang, Sơn Đông, Hà Nam, Tứ Xuyên và Quảng Đông - các tỉnh chiếm hơn 40% quy mô nền kinh tế, tham dự một cuộc họp để tìm cách thúc đẩy nền kinh tế.
Cùng thời gian đó, các phương tiện truyền thông Trung Quốc bắt đầu đưa tin về các bình luận của một số quan chức và chuyên gia kinh tế, trong đó kêu gọi chú trọng hơn nữa các chính sách mở rộng nhu cầu trong nước và ổn định việc làm.
Trong những ngày gần đây, các biện pháp chính sách thực tế đã được công bố. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã cắt giảm lãi suất cho vay và kêu gọi các tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh hàng đầu, mở rộng cấp tín dụng với trọng tâm là hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, phát triển xanh, đổi mới khoa học và công nghệ và các lĩnh vực khác.
Giới chức Trung Quốc vừa công bố khoản tiền trị giá 200 tỷ nhân dân tệ (gần 29 tỷ USD) trợ cấp cho hoạt động xây dựng các dự án nhà ở đang bị đình trệ, giúp người mua nhà có thêm niềm tin. Cùng với đó, chính phủ cũng đang xem xét cung cấp bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ việc phát hành trái phiếu của các công ty bất động sản gặp khó khăn, tạo điều kiện để họ huy động vốn cần thiết nhằm tiếp tục hoạt động xây dựng.
Chuyên gia Manu Bhaskaran cho rằng các biện pháp này sẽ mang lại hiệu quả đáng kể nhưng chưa đủ để ổn định nền kinh tế. Vị CEO này khuyến cáo Trung Quốc cần đưa ra nhiều biện pháp hơn, đồng thời phải sớm công bố.
Ông khuyến nghị giới chức Trung Quốc đưa ra chương trình đầu tư lớn hơn vào cơ sở hạ tầng mới, bao gồm lưới điện siêu cao áp, nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai năng lượng tái tạo và chi tiêu lớn hơn vào việc xây dựng các thành phố lớn đô thị. Cùng với các biện pháp đã công bố nhằm ổn định lĩnh vực nhà ở và nới lỏng chính sách tiền tệ, những biện pháp này sẽ hướng tới việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm.
Một vấn đề đáng lưu tâm là liệu các biện pháp kích thích trên có đủ hay không. Với những khó khăn hiện tại và thực tế là hiệu quả của chính sách tiền tệ giảm trong tình trạng bẫy thanh khoản, các chuyên gia tại Centennial Asia Advisors nhận định Trung Quốc cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, chẳng hạn như thúc đẩy tổng cầu thông qua chuyển tiền trực tiếp đến khu vực hộ gia đình và nới rộng phạm vi chương trình mở rộng tín dụng cho các công ty tư nhân nhỏ.
Theo chuyên gia Manu Bhaskaran, Chủ tịch Tập Cận Bình cần đưa ra một tín hiệu rõ ràng hơn cho các quan chức chính quyền địa phương và nhân viên tín dụng ngân hàng để đảm bảo rằng họ sẽ không bị phạt oan nếu các hợp đồng mới mà họ ký kết nhằm giúp kích thích chi tiêu cơ sở hạ tầng hay các khoản vay mới mà họ chấp thuận để giúp các công ty nhỏ gặp khó khăn.
Cùng với đó, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng cần chứng minh và đảm bảo nhiều hơn đối với các doanh nhân công nghệ rằng việc chính phủ đàn áp các công ty công nghệ lớn đã đi đúng hướng, từ đó khôi phục niềm tin vào lĩnh vực then chốt này.
Tuy nhiên, dường như Trung Quốc đang có sự do dự khi triển khai các chính sách này. Điều này sẽ tác động tới triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế. CEO của Centennial Asia Advisors dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi một cách khiêm tốn trong nửa cuối năm 2022, với mức tăng trưởng cả năm chỉ trên 3%. Tăng trưởng sẽ tiếp tục được cải thiện vào năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn so với sự năng động của những năm trước.
Tác động tới các nước châu Á
Trong trường hợp lạc quan nhất, kinh tế Trung Quốc có sự cải thiện, phần còn lại của thế giới và các nước láng giềng châu Á có thể sẽ được hưởng lợi. Tác động tới kinh tế thế giới và khu vực được xem xét trên các khía cạnh sau:
Thứ nhất, khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu thể hiện những chỉ số tốt hơn, niềm tin của các nhà đầu tư và kinh doanh toàn cầu sẽ được cải thiện. Xét cho cùng, đây vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại quan trọng nhất của hầu hết các quốc gia. Vì vậy, sự thay đổi ở Trung Quốc sẽ giúp giảm bớt lo ngại về kinh tế thế giới. Niềm tin kinh doanh cao hơn sẽ giúp cải thiện chi tiêu vốn của các công ty trên khắp thế giới cũng như khu vực châu Á.
Thứ hai, Trung Quốc là thị trường lớn và sự phục hồi của nền kinh tế này sẽ mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu hơn cho các nước khác. Sự phục hồi này có thể đến từ việc tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và các hoạt động bất động sản được cải thiện, nguyên liệu thô để sản xuất đầu vào được sử dụng trong các lĩnh vực này sẽ được hưởng lợi. Sản xuất công nghiệp cũng sẽ hồi sinh và do đó có lợi cho các nhà xuất khẩu hàng hóa trung gian như linh kiện điện tử.
Thứ ba, giá hàng hóa sẽ tăng, giá than nhiệt, than luyện kim, kim loại cơ bản, cao su và năng lượng sẽ phục hồi.
Thứ tư, nếu kinh tế Trung Quốc ổn định, áp lực giảm hiện tại đối với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ đảo ngược.
Theo chuyên gia Manu Bhaskaran, những rủi ro ngày càng gia tăng đối với nền kinh tế đã thuyết phục Trung Quốc đẩy mạnh các nỗ lực kích cầu.
Ông cho rằng mặc dù không có khả năng đạt được tất cả những gì đặt ra, nhưng sự thay đổi chính sách đủ để ổn định nền kinh tế và tạo ra một sự phục hồi kinh tế khiêm tốn của Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích cho phần còn lại của châu Á./.