Trong một phát biểu mới đây, nhà kinh tế trưởng Paul Sheard của tập đoàn cung cấp dịch vụ thông tin tài chính S&P Global (Mỹ) nhận định kinh tế Trung Quốc đã đạt được những thành tích ấn tượng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Kể từ quý 4/2008, GDP thực tế tính theo quý của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng trung bình 8,2%/năm, cao hơn nhiều so với các mức tương ứng 1,4% của Mỹ và 0,4% tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Trung Quốc đạt được kết quả này không chỉ nhờ việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001, mà còn nhờ các chính sách đối phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng.
[Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng trong tháng thứ 6 liên tiếp]
Theo ông Sheard, Trung Quốc đã thành công trong việc giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhu cầu bên ngoài và dựa nhiều hơn vào nhu cầu nội địa, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể làm gia tăng các khoản nợ, do đó, chương trình cải cách kinh tế tại Trung Quốc có vai trò rất quan trọng.
Ông Sheard cho rằng Bắc Kinh cần tiếp tục tiến hành cải cách về thể chế và định hướng thị trường, tạo những chương trình ưu đãi để sử dụng vốn hiệu quả, nâng cao quản lý doanh nghiệp, tái cân bằng nền kinh tế với việc giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động đầu tư và hướng nhiều hơn vào tiêu dùng của các hộ gia đình như một động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng sống.
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, trong nửa đầu năm nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 6,9%, trong bối cảnh khu vực dịch vụ và sức tiêu thụ đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế./.