Kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ kể từ sau khi đại dịch bùng phát

Số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 16/4 cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý I/2021 đạt 24.930 tỷ NDT (khoảng 3.820 tỷ USD), tăng 0,6% so với quý trước.
Kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ kể từ sau khi đại dịch bùng phát ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kinh tế Trung Quốc trong quý I/2021 tăng trưởng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1992, chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa và quốc tế tăng mạnh đã thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế một năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố ngày 16/4 cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý I/2021 đạt 24.930 tỷ NDT (khoảng 3.820 tỷ USD), tăng 0,6% so với quý trước.

Số liệu mới công bố cho thấy những dấu hiệu đáng khích lệ về nền kinh tế. Trong quý I, giá trị gia tăng của sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định tăng tương ứng 24,5%, 33,9% và 25,6%.

Nhờ nhu trong nước và nước ngoài tăng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 29,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 8.470 tỷ NDT.

Kinh tế Trung Quốc giảm 6,8% trong quý I/2020, do tác động của đại dịch. Nhờ các biện pháp kiểm soát dịch kiên quyết và hiệu quả, tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu của toàn cầu đã lấy lại được động lực, phục hồi theo hình chữ V, với ba quý tăng trưởng liên tiếp trong năm ngoái là 3,2% trong quý II, 4,9% trong quý III và 6,5% trong quý IV.

Người phát ngôn của NBS, Liu Aihua, cho rằng tốc độ tăng trưởng cả năm có thể duy trì xu hướng cải thiện một cách ổn định, nhờ động lực phát triển từ bên trong, chất lượng nguồn cung và sức mạnh của thị trường.

Bà nhận định các số liệu trên cho thấy kinh tế Trung Quốc đang có một khởi đầu thuận lợi, tiếp tục duy trì đà phục hồi tăng trưởng quý vững chắc. Tuy nhiên, bà cũng thận trọng cảnh báo kinh tế Trung Quốc có thể sẽ chịu tác động khi tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn.

Đối tác quản lý của EY tại Trung Quốc, Hoffman Cheong, cho rằng nhờ các biện pháp kiểm soát đại dịch và kích thích nền kinh tế hiệu quả của Chính phủ Trung Quốc, các số liệu cho thấy động lực mạnh về cả sản xuất và tiêu dùng.

[Tầm nhìn mới phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam trước đại dịch]

Đặc biệt, doanh thu của lĩnh vực nhà hàng, khách sạn đã gần như đạt mức của đầu năm 2019, cho thấy người dân đã sẵn sàng ra ngoài để gặp gỡ và tiêu tiền. Đây là lý do căn bản khiến ông tin tưởng vào triển vọng của kinh tế Trung Quốc.

Mặc dù nền kinh tế phục hồi, NBS cảnh báo sự không chắc chắn và tính không ổn định là lớn khi đại dịch tiếp tục lây lan trên toàn cầu và nền tảng cho sự phục hồi kinh tế trong nước vẫn chưa vững chắc. Các vấn đề lâu nay về cơ cấu vẫn nổi lên trong tình huống mới và những đòi hỏi của quá trình phát triển

Marco Sun, nhà phân tích thị trường tài chính của Ngân hàng MUFG ở Thượng Hải, Trung Quốc nhận định hoạt động kinh tế nước này trong quý I/2021 khởi động tốt, đặc biệt là trong mảng bán lẻ, hiện là "điểm tựa" cho quá trình phục hồi kinh tế tại Trung Quốc.

Theo chuyên gia này, trọng tâm trong thời gian tới của Trung Quốc sẽ là duy trì đà tăng trưởng và quản lý rủi ro tài chính.

Về vấn đề quản lý rủi ro tài chính, chuyên gia của ngân hàng Thượng Hải cho rằng Trung Quốc có thể sẽ siết chặt định lượng thông qua hướng dẫn về tăng trưởng tín dụng trong quý II/2021 và có thể là trong thời gian tiếp sau đó.

Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Qu Hongbin của ngân hàng HSBC cho rằng chặng đường phục hồi kinh tế Trung Quốc còn nhiều điều chưa chắc chắn, trong đó mảng tiêu dùng cá nhân vẫn trì trệ do tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Theo chuyên gia này, một khi các dữ liệu so sánh nền tảng tăng dần thì tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể sẽ giảm về dưới các mức trước khi đại dịch bùng phát.

Trong năm nay, Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 6%, tạo hơn 11 triệu việc làm ở đô thị và thúc đẩy nhu cầu nội địa cũng như đầu tư hiệu quả.

Trong khi đó, trong báo cáo công bố đầu tháng Tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,4% trong năm 2021, tăng 0,3 điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra hồi tháng Một./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.