Nhật Bản tái khẳng định nước thải từ nhà máy số 1 Fukushima an toàn

Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đảm bảo nước thải được xả ra biển sẽ được xử lý theo đúng tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản và của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nhật Bản tái khẳng định nước thải từ nhà máy số 1 Fukushima an toàn ảnh 1Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong tuyên bố ngày 16/4, Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đã tái khẳng định nước thải từ nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima đã qua xử lý hoàn toàn an toàn, và đáp ứng tiêu chuẩn về nước uống được theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tuyên bố của ông Aso được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước láng giềng lo ngại việc xả thải có thể gây hại cho môi trường biển, an toàn thực phẩm và sức khỏe con người.

Ông Aso đảm bảo nước thải được xả ra biển sẽ được xử lý theo đúng kế hoạch mà Chính phủ đã công bố, theo đó nồng độ chất phóng xạ tritium trong nước xả thải sẽ được pha loãng xuống còn 1.500 becquerel/lít, tương đương 1/40 nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản và 1/7 tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với nước uống, trước khi được xả ra biển. Việc xả nước thải này ra biển sẽ được thực hiện trong khoảng 2 năm.

[Hàn Quốc lo ngại vấn đề xả thải từ nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản]

Sau thảm họa năm 2011, nước được bơm vào các lò phản ứng đã bị hư hại tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 để làm mát các thanh nhiên liệu.

Cùng với nước mưa và nước ngầm bị nhiễm xạ, nước thải sau quá trình làm mát ở các lò phản ứng được xử lý bằng Hệ thống Xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS).

ALPS giúp loại bỏ phần lớn các chất phóng xạ, trong đó có strontium và cesium, nhưng không thể loại bỏ tritium.

Tại thời điểm hiện nay, có hơn 1,25 triệu tấn nước thải đã qua xử lý nhưng vẫn còn chứa phóng xạ đang được lưu trữ trong các bể chứa tại nhà máy.

Ngày 13/4, tức hơn 10 năm sau sự cố tại nhà máy, chính phủ Nhật Bản đã quyết định xả nước thải này ra biển.

IAEA bày tỏ ủng hộ quyết định của Nhật Bản về việc xả nước thải đã qua xử lý ra biển, đồng thời khẳng định sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình giám sát việc xả thải này.

Trước quyết định của Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Nga ngày 15/4 đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này, đồng thời kêu gọi Nhật Bản tiếp cận vấn đề xử lý nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima với tất cả trách nhiệm.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bày tỏ mong đợi chính phủ Nhật Bản thể hiện sự minh bạch và thông báo cho tất cả các quốc gia liên quan về những hành động của Tokyo.

Bên cạnh đó, bà Zakharova lưu ý thêm rằng Nga đang chờ đợi Nhật Bản có những giải thích chi tiết hơn, đồng thời kêu gọi Tokyo không gây khó khăn cho hoạt động kinh tế của các quốc gia khác, kể cả trong ngành đánh bắt cá.

Cùng ngày, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Ngô Giang Hạo (Wu Jianghao) đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại nước này Tarumi Hideo tới để trao công hàm phản đối quyết định xả ra biển nước thải phóng xạ đã qua xử lý được tích trữ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.