Ngày 23/3, Nhật Bản đã đề nghị Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đánh giá về độ an toàn của nước thải phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã qua xử lý và công bố quan điểm của cơ quan với cộng đồng quốc tế trong trường hợp Tokyo quyết định xả nước này ra biển.
Theo các quan chức Nhật Bản, trong cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama đã trao đổi ý kiến với Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi rằng Nhật Bản muốn cơ quan giám sát hạt nhân này của Liên hợp quốc tiến hành đánh giá khoa học và khách quan về biện pháp xả ra biển nước thải phóng xạ đã qua xử lý của Nhật Bản và công bố kết quả đánh giá với cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, ông Kajiyama yêu cầu IAEA xác nhận rằng biện pháp này và thiết bị được dùng để xả nước thải là phù hợp với tiêu chuẩn an toàn của IAEA, cũng như yêu cầu cơ quan này kiểm tra dữ liệu phóng xạ trong môi trường và công bố kết quả cho cộng đồng quốc tế.
Về phần mình, ông Grossi cho biết IAEA sẵn sàng hỗ trợ Nhật Bản một cách đầy đủ, đồng thời tin tưởng vào quyết tâm của Chính phủ Nhật Bản trong giải quyết vấn đề nước thải phóng xạ đã qua xử lý, cũng như tin tưởng vào công nghệ của Nhật Bản có khả năng xử lý nước thải này.
[Tòa án Nhật Bản bác kiến nghị đình chỉ hoạt động lò phản ứng hạt nhân]
Trước đó, phát biểu với báo giới trước khi diễn ra cuộc họp với IAEA, Bộ trưởng Kajiyama đã nhấn mạnh về tầm quan trọng để giải tỏa những lo ngại ở trong nước cũng ở những nước láng giềng về độ an toàn của nước thải hạt nhân đã qua xử lý. Theo ông, thông điệp của IAEA là rất hiệu quả trong việc giải tỏa những lo ngại này.
Thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima là sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine năm 1986. Ngày 11/3/2011, một trận động đất có độ lớn 9,0 đã gây ra sóng thần quét qua khu vực ven biển phía Đông Bắc Nhật Bản, khiến gần 20.000 người thiệt mạng, 100.000 người phải rời bỏ nhà cửa và làm tê liệt nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.
Nhà máy này đang tạo ra một lượng lớn nước có nhiễm phóng xạ vốn được dùng để làm nguội các lò phản ứng. Lượng nước thải phóng xạ này hiện là 1,2 triệu tấn được trữ trong các bồn trong khuôn viên nhà máy.
Tuy nhiên, nhà máy có thể không còn diện tích để chứa nước thải vào mùa Thu năm 2022. Hiện Nhật Bản đang xử lý nước thải phóng xạ này bằng cách sử dụng hệ thống xử lý nước tiên tiến nhất (ALPS) giúp loại bỏ phần lớn các nguyên liệu phóng xạ.
Chính phủ Nhật Bản hiện chưa đưa ra quyết định cuối cùng về xả ra biển nước thải phóng xạ đã qua xử lý trong bối cảnh biện pháp này vấp phải sự phản đối của ngành đánh bắt cá địa phương, cũng như của các nước láng giềng do lo ngại có thể gây ô nhiễm môi trường biển./.