Ký hợp đồng cho thuê khai thác bến cảng Thị Vải

Cục Hàng hải Việt Nam và Liên danh CSG-PTSCPM-VINACOM đã ký hợp đồng cho thuê khai thác Bến cảng tổng hợp quốc tế Thị Vải.

Chiều 7/3, tại Hà Nội, Cục Hàng hải Việt Nam và Liên danh Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công ty Cảng Sài Gòn-Công ty Cổ phần Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp Phú Mỹ-Công ty Cổ phần Vinacommodities-Công ty Cổ phần Tập đoàn Muối miền Nam-Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hải dầu khí Hưng Thái (gọi tắt là Liên danh CSG-PTSCPM-VINACOM) đã ký hợp đồng cho thuê khai thác Bến cảng tổng hợp quốc tế Thị Vải.

Dự án phát triển cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nằm trong nhóm cảng biển số năm, đảm nhận thông qua khối lượng hàng hóa xấp xỉ 50%, chiếm trên 60% tổng lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển cả nước.

Dự án có quy mô đầu tư hai bến container Cái Mép hạ, hai bến tổng hợp Thị Vải với tổng mức đầu tư hơn 12.890 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Bến tổng hợp Thị Vải được thiết kế và xây dựng cho tàu chở hàng rời có trọng tải 50.000 DWT (có xét đến tàu hàng rời 75.000 DWT giảm tải), tổng chiều dài bến là 600m. Các công trình phụ trợ kèm theo gồm văn phòng, nhà kho, thiết bị, xưởng bảo dưỡng, trạm nhiên liệu, mặt sân bãi và cổng kiểm tra.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết đây là dự án đầu tư xây dựng cảng biển cho tàu trọng tải lớn với quy mô trang thiết bị hiện đại. Việc đưa Bến cảng tổng hợp quốc tế Thị Vải vào hoạt động sẽ nâng cao năng lực thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.

Ngoài đóng góp vào sự phát triển cơ sở hạ tầng của nhóm cảng biển số năm, Bến cảng tổng hợp Thị Vải cũng sẽ hấp dẫn các tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển có mặt tại khu vực để hình thành các liên doanh xây dựng và khai thác cảng biển.

Dự án cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải cũng đánh dấu lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam lựa chọn nhà khai thác cảng thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, tiến tới phá bỏ dần sự độc quyền đồng thời tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo bước đột phá cho các doanh nghiệp khai thác cảng của Việt Nam. Đây cũng được coi là biện pháp nhằm thu hồi vốn đầu tư, giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách nhà nước./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục