Cho thuê, khai thác cảng container Quốc tế Cái Mép

Bộ Giao thông Vận tải sẽ cho thuê, khai thác cảng container quốc tế Cái Mép để sớm thu hồi vốn đầu tư, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước.
Cho thuê, khai thác cảng container Quốc tế Cái Mép ảnh 1Cảng container Cái Mép-Thị Vải. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Giao thông Vận tải vừa ký kết hợp đồng cho thuê, khai thác cảng container quốc tế Cái Mép với nhà thầu trúng thầu là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn.

Theo ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư từ năm 2004 có tổng mức đầu tư là 291 triệu USD sử dụng vốn vay JICA (Nhật Bản) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 10/2008, hoàn thành tháng 10/2013 có quy mô 2 bến container Cái Mép hạ, 2 bến tổng hợp Thị vải có chiều dài 600m với đầy đủ cơ sở hạ tầng, các công trình phụ trợ trên bờ và trang thiết bị xếp dỡ, nhằm mục tiêu tạo tiền đề cho sự phát triển cụm cảng trên sông Thị Vải và kích thích đầu tư vào khu vực này.

Để đưa cảng vào hoạt động, khai thác hiệu quả, sớm thu hồi vốn đầu tư, theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà khai thác cảng theo quy định và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn là nhà thầu trúng thầu khai thác Bến cảng container quốc tế Cái Mép.

“Đây là lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam lựa chọn nhà khai thác cảng thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước nhằm phá bỏ dần sự độc quyền, tăng tính cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo bước đột phá cho các doanh nghiệp khai thác cảng của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đồng thời là biện pháp nhằm nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước và là tiền đề cho sự phát triển của ngành Hàng hải trong thời kỳ hội nhập,” Cục trưởng Nguyễn Nhật cho biết.

Bên cạnh đó, ông Nhật cũng thừa nhận rằng cảng container Quốc tế Cái Mép hoàn thành xây dựng và bắt đầu đưa vào khai thác trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn trong lĩnh vực vận tải biển cùng sự mất cân đối cung-cầu ngắn hạn dịch vụ xếp dỡ container tại khu vực Cái Mép.

“Với việc lựa chọn ra được nhà khai thác cảng là Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, một đơn vị có kinh nghiệm khai thác cảng hàng đầu ở Việt Nam sẽ khai thác đạt năng suất, hiệu quả cao, góp phần tăng trưởng kinh tế khu vực và tăng cường, phát triển lĩnh vực khai thác cảng biển Việt Nam nói chung,” Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.