Ngày 3/12, tại kỳ họp thứ 14 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV, nhiệm kỳ 2011-2016, các đại biểu đã chất vấn 4 nhóm vấn đề nóng bao gồm kinh tế; khoa học, công nghệ và môi trường; quản lý đất đai, quản lý đô thị, phòng cháy chữa cháy; văn hóa-xã hội.
Trong đó, vấn đề xử lý nợ thuế, doanh nghiệp “ma” đã hâm nóng nghị trường.
Mở đầu phiên chất vấn, Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Đông) chất vấn nguyên nhân nợ thuế khó thu, doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh và xử lý ra sao? Đồng quan điểm, đại biểu Lê Văn Thành (Thanh Xuân) cũng chất vấn về cách xử lý các doanh nghiệp trốn thuế.
Theo đại biểu Lê Văn Thành, việc thành lập doanh nghiệp để xuất hóa đơn là vấn đề rất nghiêm trọng, do vậy nên thận trọng khi xem xét việc thành lập doanh nghiệp. Đại biểu Thành đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan như Cục Thuế, Công an thành phố Hà Nội cần quyết liệt xử lý các doanh nghiệp vi phạm, tránh gây mất công bằng giữa các doanh nghiệp.
Trả lời về vấn đề này, Cục trưởng Cục thuế Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, năm 2015 số nợ thuế là hơn 21.000 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tiền chậm nộp là tính đến hết tháng 10/2015 khoảng 7.000 tỷ đồng. Những doanh nghiệp nợ thuế chủ yếu là các doanh nghiệp xây dựng và bất động sản chiếm đến hơn 50%.
Bên cạnh đó, số nợ thuế lớn một phần là do các doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, để trốn thuế. Theo thống kê, hiện trên địa bàn Hà Nội số tiền nợ thuế của các đơn vị bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm ngừng, tạm nghỉ lên đến gần 2.500 tỷ đồng.
Ông Hà Minh Hải thông tin thêm các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh ở 3 trạng thái cơ bản. Thứ nhất là các doanh nghiệp thành lập để buôn bán hóa đơn, làm ăn bất hợp pháp. Đối tượng này thành lập xong thì giải thể ngay, rất khó phát hiện.
Qua thực hiện đối chiếu chéo, Cục Thuế đã phát hiện gần 400 tỷ đồng nợ thuế của nhóm đối tượng doanh nghiệp này và đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. Bước đầu, năm 2015 đã xử lý một số trường hợp. Đối tượng thứ hai là những doanh nghiệp thành lập ra nhưng gặp khó khăn phải ngừng nghỉ hẳn thì không nhận diện được.
Đối tượng thứ ba là các đối tượng bỏ doanh nghiệp này để lập doanh nghiệp khác mà vẫn là cá nhân đó với ý đồ chiếm đoạt thuế. Cục Thuế đang phối hợp với cơ quan công an để nhận diện, kiến nghị về hình thức xử lý vì có dấu hiệu và ý đồ chiếm đoạt tiền thuế.
Cũng trả lời về vấn đề doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng không hoạt động, doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh để trốn thuế, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết thời gian qua, Công an thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế thành phố Hà Nội xác minh hơn 300 công ty sau khi đăng ký kinh doanh bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh. Đồng thời phối hợp truy thu thuế các công ty này. Đến nay đã truy thu được hơn 50 tỷ đồng tiền mặt và hơn 2.000m2 đất.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cũng chỉ rõ những sơ hở trong quản lý để các đối tượng thành lập doanh nghiệp "ma", bỏ địa chỉ kinh doanh để trốn thuế. Cụ thể, trong quá trình cấp phép đăng ký kinh doanh, hiện thời gian cấp là 3 ngày thì việc xác minh nhân thân đối tượng xin thành lập còn thiếu sót.
Minh chứng là có để thành lập doanh nghiệp "ma", có đối tượng đã thuê xe ôm giá 1 triệu đồng đem chứng minh thư lên đăng kí thành lập doanh nghiệp rồi làm giám đốc. Ngoài ra, việc giám sát của chi cục thuế không chặt chẽ, thậm chí có hành vi tiếp tay cho các đối tượng.
Kỳ họp thứ 14 là phiên chất vấn tại hội trường cuối cùng của các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV, nhiệm kì 2011-2016. Với tính chất đó, phiên chất vấn đã diễn ra rất sôi nổi, các đại biểu chất vấn và người trả lời đều rất thẳng thắn, phản ánh trực diện vấn đề, để cùng ra tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô./.