Kỳ lạ chuyện người 11 năm nuôi con thay cho chủ cũ

Một người phụ nữ dám chấp nhận bỏ cả tuổi thanh xuân của mình để nuôi nấng con của người chủ cũ. 11 năm ấy cũng quãng thời gian đủ để chị coi cháu bé bất hạnh thành một phần máu thịt...
Chị Hồng cùng cháu L.-người con nuôi bất đắc dĩ của mình (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một người phụ nữ dám chấp nhận bỏ cả tuổi thanh xuân của mình để nuôi nấng con của người chủ cũ. 11 năm ấy cũng quãng thời gian đủ để chị coi cháu bé bất hạnh thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời mình.

Câu chuyện kỳ lạ tưởng chừng như chỉ có trong tưởng tượng lại đang hiện hữu trên mảnh đất nghèo của xã Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang như một minh chứng cho thứ tình yêu thuần khiết nhưng đầy trách nhiệm giữa con người với con người.

Thảm kịch

Đến tận lúc này, người dân thôn Quyết Tâm, xã Yên Sơn, huyện Lục Nam vẫn chưa thể quên được thảm án xảy ra trên địa bàn. Mặc dù đã 1 thập kỷ trôi qua, nhưng họ vẫn truyền tai nhau câu chuyện bi kịch của người thầy giáo hiền lành thuộc trường cấp 3 Phương Sơn.

Ông Phùng Đức Bắc, 75 tuổi, vừa lọ mọ pha ấm nước đón khách, vừa kể lại: Ngày ấy, gia đình ông quá nghèo nên phải để cho cô con gái Phùng Thị Hồng khi đó mới 13 tuổi nghỉ học để đi làm giúp việc cho anh Dũng, chị Thuỷ gần đó. Công việc của Hồng là trông nom, chăm sóc cháu M., con trai đầu của gia chủ. Làm được 3 năm, Hồng xin nghỉ để vào miền Nam làm ăn.

Nhưng chỉ được vài tháng, Hồng lại được nhờ quay lại, giúp anh Dũng và chị Thuỷ chăm sóc cháu thứ hai là L. khi ấy mới ra đời, nhưng không may mắn mắc phải bệnh u máu.

“Nhà đấy tội lắm. Thằng Dũng thì chăm chỉ, hiền lành, suốt ngày chỉ biết dạy học trên trường cấp 3 Phương Sơn. Đẻ được hai đứa con trai thì cháu sau lại bị bệnh tật. Nhưng Dũng nó vẫn cứ cắn răng làm lụng để nuôi gia đình,” ông Bắc khe khẽ thở dài, mắt đùng đục nhìn ra khoảng sân trước nhà.

11 tuổi, bé L. đã gần như mồ côi cả cha lẫn mẹ sau thảm kịch hơn chục năm về trước (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bi kịch bắt đầu đổ dồn tới gia đình nhỏ của Dũng khi người vợ anh hết mực yêu thương bỗng dưng đổi lòng. Đau đớn hơn, chị đem lòng yêu thương chính người bạn thân của chồng mình.

Bà Tám, vợ ông Bắc đang cặm cụi nhặt rau nghe tới đây cũng quay sang góp chuyện. Bà bảo: “Anh Dũng anh ấy lúc đầu còn khuyên ngăn, thậm chí họp cả hai gia đình để vợ quay về. Nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đấy.”

Quá bức xúc, nên một ngày tháng 7/2007, người thầy giáo cấp 3 đã quẫn trí đi mua dao rồi tìm đến nơi vợ mình cùng tình nhân hẹn hò. Đợi gã đàn ông từng là bạn thân ra xe, Dũng lao tới, đâm liên tiếp vào người tình địch khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Đau đớn hơn, Thuỷ, vợ Dũng, ngay đêm chồng gây án cũng đã lao mình xuống sông, tự kết thúc cuộc đời của mình, để lại hai đứa con bệnh tật cùng người chồng tù tội.

Nhớ lại mảnh ký ức kinh hoàng đó, cô ôsin trẻ Phùng Thị Hồng ngày nào vẫn còn run run: “Ngày hôm ấy, anh Dũng chỉ kịp về nhà nói mình đã giết người, rồi quỳ xuống nhờ tôi chăm sóc cho hai đứa nhỏ. Ngay sau đó, anh chạy đến công an đầu thú mà không kịp chào các con.”

Ngày ra toà, bên cạnh thân nhân các bên có liên quan, lẫn trong đám người ở dưới còn có cả cô ôsin lặng lẽ bế, dắt theo hai đứa bé đến. Phiên toà khép lại, người có lỗi phải đền tội. Cháu trai lớn được nhà bên ngoại đón về nuôi. Còn chị Hồng chính thức bắt đầu quãng đời đặc biệt trong thân phận nuôi con cho chủ cũ vào tù…

11 năm nuôi con cho chủ cũ

Ngày được chị Hồng bế về nhà nuôi, bé L. mới chưa đầy 1 tuổi. Do bị u máu từ nhỏ, nên L. thường xuyên ốm yếu, bệnh tật. Mặc dù nhà nghèo, nhưng trước tình cảnh “đặng chẳng đừng” trước mắt, gia đình chị vẫn quyết định sẽ cưu mang L.

Chép chép miệng, bà Tám buồn bã nói: “Hồi đó, L. nó bé như cái kẹo, khóc ngằn ngặt suốt vì đau. Nhà ngoại họ có sang nhờ chúng tôi chăm cháu đến khi bố nó ra tù sẽ đón về.”

Để có tiền chữa bệnh và nuôi bé, hai ông bà ở cái tuổi thất thập cổ lai hy cùng cô con gái phải vất vả, bươn chải ngược xuôi tối ngày. Nhưng căn bệnh quái ác không buông tha L, và vắt kiệt cả những người cưu mang em. Ngày qua ngày, những khối u cứ dần dần nổi lên, lở loét khiến cho bé đau đớn không thôi.

“Đau nhất là lúc trái gió trở trời, thằng bé vừa mếu máo vừa gãi vì ngứa. Gãi đến đâu máu với mủ lại chảy ra tới đấy. Chúng tôi nhìn mà xót hết ruột nhưng cũng không biết phải làm sao,” bà Tám xoa xoa lưng L. méo xẹo kể.

Căn bệnh quái ác khiến cho người cậu bé L. quắt lại, chỉ còn có hơn 20kg. Thấy người lạ hỏi, cậu chui biến vào chăn, kiên quyết không trả lời.

“Khổ, từ nhỏ đến giờ, nó ít nói lắm, gần như bị trầm cảm rồi, suốt ngày chỉ ủ rũ một mình. Chúng tôi cũng cố gắng cho cháu nó đi học nhưng chỉ hết mẫu giáo, đến lớp lớn hơn cháu không theo được nữa,” chị Hồng – người mẹ nuôi bất đắc dĩ thở thườn thượt.

Ngôi nhà của gia đình bà Tám, chị Hồng từ nhiều năm nay không còn tiền để tu sửa nên trống huếch hoác, mái được lợp tạm bằng một tấm fibro xi măng tuềnh toàng. Nhà có người bệnh, của cải đi ra như gió cuốn, bao nhiêu cũng hết.

Anh Nguyễn Văn Tín, chồng chị Hồng cho biết: “Năm 2008, tôi xin cưới Hồng. Biết Hồng có con nuôi là cháu Linh nhưng bị bệnh tật, cả gia đình đều hùn tài sản cứu chữa cho cháu. Nhưng giờ bệnh tật của cháu càng nặng, mẹ Tám cũng vừa phải mổ u dạ dày, sức khỏe yếu nên cũng rất lo lắng”

Mặc dù khó khăn, nhưng trong ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng, L. được lớn lên với tình yêu thương trong trẻo nhất (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nghiệt ngã nhất, bố ruột của L., người thầy giáo hiền lành năm nào sau khi mãn hạn tù chỉ về thăm em được vài bữa. Thời gian ở tù đã thay đổi hẳn con người anh. Anh lấy vợ, đẻ tiếp 2 đứa con rồi tiếp tục chịu án 20 năm giam giữ do buôn bán chất ma tuý. Lời hứa sẽ đón L. về từ tay chị Hồng vì vậy cũng bị gác lại không biết tới lúc nào.

11 tuổi, L. đã có hơn 10 năm sống với mẹ nuôi của riêng mình. Ấy cũng là 10 năm đầy vất vả nhưng đầy ắp tình yêu của bé. Căn nhà bé ở ngày một xiêu vẹo, tồi tàn nhưng tiếng cười thì chưa lúc nào dứt.

Đến tận lúc chúng tôi đứng lên ra về, L. mới len lén chạy ra ghế. Cậu đùa nghịch với em trai – con ruột của chị Hồng. Nhìn hai đứa trẻ khác dòng máu nhưng cùng chung một niềm vui, một tiếng cười, tôi chợt nghĩ: Hình như chính tình yêu thương vô điều kiện của cô ôsin năm nào đã giúp L. chống chịu lại với tất cả bệnh tật, buồn đau em gặp phải.

Và, có lẽ, nó cũng sẽ là thứ hành trang quý giá để L. tiếp tục mạnh mẽ lớn lên, mạnh mẽ đi tiếp những bước tiếp theo trên con đường còn đầy khó khăn phía trước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục