Cô bé vẫn lặng phắc khi thấy người lạ vào, mặc dù đôi mắt đã mở ra rất to nhìn thẳng chúng tôi. Hỏi gì em cũng lắc. Chỉ đến khi nhắc tới mẹ, Loan mới khe khẽ bảo: "Con nhớ cơm mẹ nấu, nhớ mẹ, nhớ anh…"
Đã ngót 12 năm nay, cô bé nhỏ thó ấy phải đấu tranh chống lại căn bệnh loạn sản mô quái ác, căn bệnh khiến chân trái của em mỗi ngày một lớn thêm ra và lở loét. Dọc hành trình hơn một thập kỷ ấy, chưa lúc nào Loan đầu hàng số phận. Trong giấc mơ chập chờn mỗi đêm, em luôn thấy mình có thể tự đứng được trên đôi chân lành lặn của mình.
VietnamPlus đã đi tìm, nghe và ghi lại câu chuyện về cuộc chiến đấu đầy nghị lực của cô bé “không thể đi” ấy trong một hành trình dài đằng đẵng 12 năm.
Bài 1: Nỗi đau của cô bé không thể bước đi
Bé Loan lại bắt đầu ngằn ngặt khóc khi vết thương ở phần chân trái của em loét ra, ri rỉ máu. Em co rúm, quằn quại trên chiếc giường nhỏ tẹo được kê một góc trong căn nhà tuềnh toàng giữa xóm nghèo Tân Văn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Mẹ em, chị Nguyễn Thị Tám cũng bật khóc theo con. Những tiếng nấc thi thoảng bỗng nghẹn ứ lại.
Chưa bao giờ, người mẹ ấy lại dám nghĩ, đứa con thứ hai của mình sẽ phải gánh chịu nỗi đau quá lớn ngay từ những ngày đầu tiên có mặt trên đời.
Tuổi thơ không lành lặn
Năm 2004, bé Nguyễn Thị Loan cất tiếng khóc chào đời trong niềm hạnh phúc khôn xiết của chị Tám. Một ngày trước khi sinh, chị vẫn nơm nớp nghĩ đến lời chẩn đoán về phần chân trái phát triển bất thường mà các bác sỹ đã đưa ra khi chị mang bầu. Đến khi thấy bé hồng hào, khỏe mạnh, nỗi lo ấy bỗng dưng bay biến.
Thế nhưng, niềm vui chưa kịp qua thì bất hạnh đã sầm sập kéo tới. Chỉ sau vài ngày, chân trái bé bắt đầu sưng mọng lên như quả bóng nước. Bé càng bú, chân trái lại càng to ra. Người mẹ trẻ đất Lâm Hà, Lâm Đồng hoảng hồn. Chị bắt đầu vay mượn khắp nơi để đưa con đi khám.
“Ngày ấy, đưa cháu đi hết các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, các bác sỹ đều lắc đầu vì không biết chính xác bệnh gì. Họ yêu cầu chúng tôi phải chuyển lên bệnh viện Nhi đồng 1 thành phố Hồ Chí Minh thì may ra mới có cách chữa,” chị Tám rấm rứt nhớ lại.
Chữa mãi, nhưng bệnh tình của Loan thì mỗi lúc một nặng hơn. Từ bọng nước ban đầu, da chân trái bắt đầu nứt toác, rỉ nước. Bé bỏ bú, người gầy rộc, cả ngày chỉ oa oa khóc. Chân trái em mỗi lúc một to ra… Chỉ đến năm 2012, trọng lượng chân trái của Loan đã lên tới 15kg, chiếm hơn một nửa cân nặng của cô bé.
Nhìn lại 8 năm đầu tiên ấy, anh Nguyễn Công Đức, bố cô bé không giấu nổi nỗi buồn. Anh kể, khi đó, cứ nghe ai mách bác sỹ nào giỏi, hai vợ chồng lại bế cháu đi. Từ bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi đồng 1, U bướu, Bệnh viện Phẫu thuật chỉnh hình… không nơi nào, anh chị không gõ cửa. Trung bình cứ 4 tháng, bé lại phải dành một tháng để điều trị. Thế nhưng, bất chấp tất cả nỗ lực ấy, đôi chân Loan vẫn không thể lành. Những vết thương vẫn cứ mưng mủ và vỡ ra, khiến cho em không thể đi lại bình thường như bạn bè cùng trang lứa.
Chỉ tính đến khi Loan 12 tuổi, cô bé đã phải chịu đựng hơn 30 lần phẫu thuật. Ngoài phần lớn thời gian ở bệnh viện, tuổi thơ của Loan chỉ quẩn quanh với căn nhà tuềnh toàng. Đến ước mơ được đi trên chính đôi chân của mình, với Loan cũng trở thành quá xa vời.
“Đau lắm anh ạ. Thấy con cứ lết lết đi quanh nhà, vợ tôi lại khóc,” anh Đức, mắt đã đỏ hoe từ bao giờ cay đắng nói.
Chênh vênh trên đôi chân không lành
Mặc dù đã 12 tuổi, nhưng trông Loan bé quắt như đứa trẻ lên 6. Phần chân trái trải qua quá nhiều lần phẫu thuật đã cứng đơ, sần sùi và vẫn còn to gấp nhiều lần phía còn lại. Thấy người lạ vào, Loan vẫn lặng im, chỉ ngước đôi mắt to và sáng nhìn thẳng chúng tôi. Em im lặng. Những câu hỏi thăm của chúng tôi không nhận được hồi đáp. Anh Đức bối rối bảo: Loan đã quá quen với những đoàn tới rồi lại đi trong bao nhiêu năm nay rồi…
Ngừng một lát, người đàn ông đen đúa kể tiếp: Từ khi bắt đầu nhận thức được, biết chân mình có tật, Loan đã rất mặc cảm. Em không mấy khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa.
“Lúc chân cháu chưa sưng to, lở loét, cháu vẫn cố lết đi quanh quẩn, nhưng cũng chỉ được một lúc là chân cứng đơ và nhức mỏi,” anh Đức ngậm ngùi.
Đau đớn nhất là chỉ sau vài năm, vết thương của Loan ngày càng biến chứng nặng. Máu và mủ rỉ ra liên tục khiến em thậm chí không thể lết đi. Cô bé con chỉ còn biết nằm trong nhà, ngước mắt nhìn ra phía ngoài.
Với chị Nguyễn Thị Tám thì chuỗi ngày ấy gần như là địa ngục. Chị vẫn nhớ như in những ngày hai mẹ con đẩy nhau trên chiếc xe đạp cà tàng đi khám bệnh, những đêm chị và Loan thức trắng vì vết thương lên cơn đau. Có những buổi, chị Tám cõng con về đến nhà chợt thấy vạt áo ướt đầm đìa. Nhìn lại, hóa ra, máu từ bàn chân con đã túa ra. Chị hoảng hốt dùng bông thấm lại nhưng không thể được. Những lúc ấy, chị Tám chỉ nghĩ: Giá như người phải chịu nỗi đau ấy là mình.
Đến năm Loan 6 tuổi, việc di chuyển và sinh hoạt của em hầu như chỉ còn phụ thuộc vào cha, mẹ. Thấy anh trai lớn đi học về, cô bé lại ao ước được đến trường, được làm quen với thầy cô, bè bạn.
“Nhưng chỉ đến trường được vài buổi, tôi thấy cháu về nằng nặc đòi bỏ. Lúc ấy, hỏi ra mới biết, cháu bị các bạn khác trêu chọc. Cả ngày, cháu chỉ có thể ngồi yên trong lớp, không có ai dám chơi cùng. Cả nhà thương lắm, mà vẫn phải động viên con tiếp tục cố gắng,” chị Tám kể.
Điều đáng khâm phục nhất là mặc dù không có điều kiện đến lớp thường xuyên do bệnh tật, Loan vẫn cố gắng tận dụng những quãng thời gian trên giường bệnh để tự học. Mỗi lần phải nhập viện, bao giờ em cũng mang theo sách vở như một hành trang không thể thiếu. Có những buổi ở lớp, vết đau rỉ máu, cô bé vẫn cắn răng chịu đựng, nhất quyết không để cô giáo gọi báo về nhà. Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi ấy, trong suốt thời gian theo học trường Tiểu học Tân Hà 2, Loan luôn đạt danh hiệu Học sinh giỏi.
Câu chuyện giữa tôi và chị Tám bỗng dưng nghẹn lại. Mắt người phụ nữ chùng hẳn xuống. Chị xót xa bảo: Đến ngay cả việc đi học giờ cũng đang phải tạm gác lại. Để điều trị, từ tháng 5/2016, bố Loan đã đưa cháu đi tiếp tục phẫu thuật ở Đài Loan theo chương trình tài trợ.
“Mỗi lần cháu gọi điện về với mẹ, cháu lúc nào cũng bảo nhớ nhà, nhớ lớp thôi,” chị Tám thở hắt ra rồi im lặng.
Hành trình 12 năm của bé Loan đến lúc này cũng là hành trình 12 năm chênh vênh trên đôi chân tật nguyền, khi mọi ước mơ, dự định của cô bé luôn bị căn bệnh quái ác dày vò, ngăn cản. Nhưng, chưa lúc nào, cô bé có đôi mắt rất sáng ấy lại yếu lòng mà từ bỏ.
Trong suốt khoảng thời gian bé Nguyễn Thị Loan chống chọi với bệnh tật, bố mẹ em đã lần lượt phải bán mọi thứ có giá trị trong nhà. Họ bươn chải khắp nơi, làm đủ thứ nghề nặng nhọc để cùng con gái thắp lên một hy vọng nhỏ. Hành trình 12 năm đã qua của Loan cũng là hành trình đầy khổ đau, tủi hờn của cha mẹ bé.
Bài 2: Quyết giữ lại chân con bằng mọi giá