Đã 60 năm trôi qua nhưng cụ Nguyễn Đình Thường, 83 tuổi ở phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) không thể quên những ngày tháng hào hùng của cuộc chiến đấu 56 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cụ cho biết những ngày đó, tất cả các lực lượng từ trực tiếp cầm súng chiến đấu, tiếp đạn, tải thương hay cấp cứu điều trị thương binh... đều vì một tiếng “xung phong,” tất cả vì chiến thắng.
Nhớ lại những ngày tháng lịch sử ấy, cụ Thường trầm ngâm kể lại lúc đó, cụ là chiến sỹ quân y thuộc Đội điều trị 1 (Cục Quân y) đóng quân trên đèo Cò Chạy, sau đó chuyển về Nà Tấu (huyện Điện Biên), dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bác sỹ Tôn Thất Tùng.
Đơn vị của cụ có nhiệm vụ cấp cứu, điều trị cho các thương binh trung thương và trọng thương, tức là những thương binh nặng nhất, đưa về từ các đội điều trị trên cả chiến trường Điện Biên Phủ.
Ngày 23/1/1954, có tin báo 12 giờ đêm, quân ta sẽ nã pháo, tấn công cứ điểm Him Lam, cả đơn vị thức suốt đêm để chờ giờ phút mở màn chiến dịch. Nhưng sau đó không nghe thấy tiếng súng nào, nhiều người hoài nghi quân ta không tấn công, sau mới biết là bộ đội ta được lệnh kéo pháo ra để thay đổi phương án tác chiến, vậy là tinh thần anh em lại được củng cố.
Khi chiến dịch bắt đầu, thương binh đưa về nhiều, trạm phẫu thuật cũng bắt đầu những ngày tháng không nghỉ. Với khả năng xử lý, phục vụ 300 thương binh mỗi ngày, song có lúc đơn vị phải tiếp nhận tới trên 500 người.
Những thương binh sau khi xử lý vết thương xong, đến chiều tối được chuyển về hậu phương để điều trị, sáng sớm hôm sau lại tiếp nhận đợt thương binh mới. Cứ như vậy, hết đợt này đi, đợt khác tới. Cả đơn vị hầu như thức trắng đêm, có người làm việc liên tục 2-3 đêm không ngủ.
Sở chỉ huy chiến dịch phải đưa thêm thanh niên xung phong, dân công đến hỗ trợ Đội điều trị. Lãnh đạo đơn vị phân công cứ một dân công phục vụ ba thương binh trung thương, một dân công phục vụ một thương binh trọng thương.
Hàng ngày, các chiến sỹ quân y vừa xử lý vết thương cho thương binh mới đưa về, vừa hướng dẫn dân công cách chăm sóc, thay băng cho thương binh.
Mỗi sáng, vào khoảng 8 giờ là bác sỹ Tôn Thất Tùng từ lán chỉ huy trong rừng cưỡi ngựa ra, chỉ đạo việc điều trị các thương binh nặng.
Cụ Thường nhớ lại ngày ấy, cả đội điều trị hầu như chẳng có một thứ máy móc, phương tiện hỗ trợ nào, mà chỉ xử lý vết thương lâm sàng, nghĩa là nhìn thấy bằng mắt thường. Thương binh bị đạn bắn vào đâu thì mổ, gắp mảnh đạn ở đó, bị gẫy chân tay chỗ nào thì dùng nẹp sắt, nẹp tre để cố định chỗ gẫy, hoặc cắt bỏ những phần cơ thể không thể phục hồi. Với những vết thương quá phức tạp thì xử lý tạm thời, băng cầm máu rồi chuyển về hậu phương điều trị.
Nhiều lần, anh em trong đơn vị không cầm được nước mắt khi chứng kiến những thương binh mới 17-18 tuổi, mới được bổ sung từ thanh niên xung phong vào đơn vị chiến đấu đã bị thương, đến tên của tiểu đội trưởng còn chưa biết.
Công việc vất vả là vậy, chế độ ăn uống lại rất khó khăn, anh em trong đội điều trị hầu như chỉ có cá mắm và cơm nếp nát để ăn, các chế độ cao hơn đều nhường cho thương binh. Vậy mà không có ai kêu ca, tất cả chỉ vì một tiếng “xung phong” xông lên giành độc lập.
Hòa bình lập lại, cụ Thường theo đơn vị về tham gia duyệt binh ở Hà Nội, rồi đơn vị về các tỉnh đồng bằng phục vụ đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, phục vụ trong các đơn vị quân y của các sư đoàn bộ đội. Đến năm 1959, cụ phục viên, về quê hương ở Thái Bình.
Hai năm sau, khi các tỉnh miền xuôi vận động nhân dân lên xây dựng Tây Bắc, cụ Thường lại một lần nữa xung phong lên chiến trường cũ, tham gia xây dựng các tuyến đường của vùng đất còn hoang sơ này.
Nhờ kiến thức trong ngành y tế, cụ được phân công làm Trạm xá trưởng của ngành Giao thông vận tải tỉnh Lai Châu cũ (nay là Lai Châu và Điện Biên). Gắn bó với mảnh đất này, cụ công tác đến năm 1982 rồi nghỉ hưu và ở lại luôn đây.
Do sức khỏe yếu nên gia đình cụ Nguyễn Đình Thường nằm trong hai gia đình cựu chiến binh Điện Biên Phủ còn khó khăn nhất của phường Thanh Trường. Nhờ tấm lòng của đồng đội, của Hội Cựu chiến binh các cấp, hai gia đình này đã được các cấp hội hỗ trợ, vượt qua khó khăn thiếu thốn.
Tin vui đến khi ông Lê Đăng Kiểm, Chủ tịch hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam trao tặng gia đình cụ 100 triệu đồng.
Cùng với sự hỗ trợ của đồng đội, gia đình cụ Thường đã khởi công xây dựng một ngôi nhà mới khang trang, đến nay đang hoàn thiện, chuẩn bị khánh thành trước ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5.
Cụ Thường cảm động nói: “Ngày tham gia chiến dịch, tôi được bầu làm chiến sỹ thi đua của Cục Quân y, được thưởng 16 múi dù đỏ. Giờ về với đời thường, khi khó khăn lại được đồng đội hỗ trợ xây dựng một căn nhà khang trang, tôi thấy mãn nguyện với những tháng năm tham gia chiến đấu và xây dựng Tây Bắc của mình”./.