Kỳ vọng đổi mới giáo dục, tạo nền tảng cho sự phát triển

Từ vai trò quan trọng của giáo dục, Đại hội XIII cần làm sâu sắc hơn các nội dung tập trung phát triển nguồn nhân lực của ngành giáo dục để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Kỳ vọng đổi mới giáo dục, tạo nền tảng cho sự phát triển ảnh 1Hệ thống trường học được quy hoạch sắp xếp hợp lý và ngày càng mở rộng. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Đại hội lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị nhận được sự quan tâm của cử tri cả nước.

Các dự thảo văn kiện, báo cáo chính trị được người dân Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đóng góp ý kiến, nhất là những vấn đề liên quan đến định hướng xây dựng và phát triển đất nước trong nhiệm kỳ tới như đổi mới giáo dục, phát triển nguồn nhân lực phục vụ đất nước.

Định hướng, tạo điều kiện cho đổi mới giáo dục

Là người nhiều năm làm việc trong ngành giáo dục, ông Tống Phước Lộc - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn An Ninh, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh - cho rằng trong thời gian qua, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã đáp ứng khá tốt nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện trong điều kiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước; có nhiều thành tích nổi bật như giáo dục mầm non đã đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi, giáo dục phổ thông có nhiều chuyển biến tốt.

Đặc biệt, tại các kỳ thi quốc tế trong những năm gần đây, Việt Nam luôn đạt kết quả cao và ổn định, tạo uy tín cho bạn bè thế giới.

['Giáo viên hãy là người tiên phong đổi mới toàn diện nền giáo dục']

Ông Tống Phước Lộc cho rằng chính từ vai trò quan trọng của giáo dục, Đại hội XIII cần làm sâu sắc hơn các nội dung tập trung phát triển nguồn nhân lực của ngành giáo dục để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, ngành giáo dục cần tiếp tục triển khai các chính sách đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế, xây dựng mục tiêu hội nhập ở cấp Trung học phổ thông, trang bị các kỹ năng cần thiết cho học sinh để có hành trang vững chắc hội nhập thế giới...

Với góc độ là nhà giáo, ông Lộc kỳ vọng Đại hội XIII sẽ tạo đột phá mới trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy nghiên cứu chuyển giao mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào các lĩnh vực đời sống xã hội.

Quan tâm đến vấn đề giáo dục, ông Nguyễn Hữu Châu, thành viên Hội đồng Tư vấn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, để tạo điều kiện cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, Đảng cần đề ra giải pháp giám sát việc phân bổ và quyết toán ngân sách Nhà nước cho khoa học-công nghệ và giáo dục; đảm bảo được tỷ lệ đề ra và phù hợp tình hình thực tế của nền kinh tế.

Ngoài ra, những khoản tiền đóng góp của cha mẹ học sinh, bách hóa, giữ xe, dạy thêm, học thêm... là những khoản thu rất lớn từ xã hội nên cần được quản lý, tính vào tỷ lệ đầu tư cho giáo dục và không để lạm dụng, thất thoát, gây mất đoàn kết.

Kỳ vọng đổi mới giáo dục, tạo nền tảng cho sự phát triển ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Cũng về vấn đề này, ông Mai Nhật Phương, Bí thư Đảng ủy Phường 7, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh tại Đại hội XIII của Đảng, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Trung ương cần đặc biệt coi trọng hơn nữa vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho học viên; chú trọng học đi đôi với hành, gắn liền lý luận với thực tế; cần đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh rà soát, quy hoạch, tổ chức lại hệ thống các trường đại học để hình thành các đại học lớn, có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, Trung ương cần có chỉ đạo, định hướng công tác dạy nghề phải sát hợp với nhu cầu thực tế xã hội và định hướng phát triển của từng địa phương, nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng với ngành nghề được đào tạo; hạn chế tình trạng làm việc trái ngành nghề đào tạo, gây lãng phí nguồn lực xã hội và cũng quan tâm tập trung những thành phố lớn cả nước hiện nay như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Cũng theo ông Mai Nhật Phương, trong lĩnh vực giáo dục, bên cạnh phát triển trí tuệ, cần chú trọng đến việc phát triển thể lực, thể hình, tư duy, thẩm mỹ của con người Việt; đồng thời, sớm có biện pháp kiểm soát sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, ảnh hưởng xấu đến truyền thống, thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội; chú trọng các chương trình phục hồi, bảo tồn các loại hình nghệ thuật, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một.

Quan tâm phát triển nguồn lực con người

Dự thảo văn kiện Đại hội XIII đã nhấn mạnh về nguồn lực con người, coi đó là động lực cốt yếu, là nội dung đột phá chiến lược để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm đóng góp của người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Là một cán bộ trẻ hoạt động trong lĩnh vực thanh niên, chị Nguyễn Ngọc Bảo Quyên, Bí thư Quận đoàn Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Đại hội XIII cần tiếp tục nghiên cứu đưa ra những định hướng chính sách nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ trẻ, thanh niên tài năng và có chính sách để thanh niên người dân tộc phát triển kinh tế... để thu hút thêm nữa không chỉ thanh niên tài năng trong nước mà còn thanh niên tài năng đang du học, học tập, làm việc tại nước ngoài về phục vụ cho đất nước.

Cũng theo chị Nguyễn Ngọc Bảo Quyên, các chính sách phát triển nguồn nhân lực của thanh niên người dân tộc thiểu số cần quan tâm nhiều hơn nữa đến sức mạnh của văn hóa cộng đồng - một thế mạnh đặc thù của người dân tộc thiểu số; cần xây dựng cơ chế hỗ trợ về kinh doanh ưu tiên cho các thanh niên dân tộc người thiểu số để tạo động lực phát triển kinh tế trong cộng đồng người dân tộc.

Ông Nguyễn Hữu Sáu, Bí thư Chi bộ Khu phố 1, Phường 12, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng Đảng luôn coi trọng vấn đề cán bộ, coi cán bộ là cái gốc, là quyết định mọi sự thành bại của mọi vấn đề.

Vì vậy, vấn đề nhân lực, cán bộ trong nhiệm kỳ tới cần được lựa chọn kỹ, bố trí nhân lực phải sát với thực tiễn trong trào lưu hiện tại của thời đại công nghệ 4.0; cần phát huy và mạnh dạn trao cơ hội cho trí thức trẻ, làm sao xây dựng đất nước ngày càng văn minh, hiện đại.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XIII đưa ra những vấn đề then chốt cho sự phát triển trong giai đoạn sắp tới, trong đó có việc xác định phát triển nguồn nhân lực cao là một vấn đề lớn, một đột phá chiến lược cho sự phát triển.

Từ kinh nghiệm của các nước cho thấy để thúc đẩy đất nước phát triển, yếu tố nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học-công nghệ phải được kết hợp chặt chẽ với nhau, tạo nên những đột phá quan trọng cho sự phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục