Lạc quan về triển vọng việc làm, Fed cắt giảm gói cứu trợ

Thị trường lao động của Mỹ sẽ tiếp tục được cải thiện cho dù Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm quy mô gói cứu trợ QE3. 
Chủ tịch Fed Ben Bernanke (trái) và tân Chủ tịch Janet Yellen. (Ảnh: Getty Images)

Thị trường lao động của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan và sẽ tiếp tục được cải thiện cho dù Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm quy mô gói cứu trợ QE3 áp dụng hơn một năm nay.

Đây là nhận định được đưa ra trong biên bản cuộc họp diễn ra tháng trước của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) về đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình QE3.

Theo biên bản công bố ngày 8/1, trong cuộc họp, đa số các đại biểu cho rằng do các điều kiện trên thị trường lao động đã được cải thiện, nhiều người cũng tin vào sự cải thiện này nên giờ là lúc FOMC có thể bắt đầu cắt giảm quy mô thu mua trái phiếu.

Tuy nhiên, các bước đi này cần được thực hiện chậm rãi và thận trọng vì chương trình nới lỏng định lượng QE3 vẫn đang đóng vai trò then chốt trong việc duy trì mức lãi suất 0% nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Biên bản cuộc họp cũng ghi nhận một số quan chức Fed muốn cắt giảm QE3 mạnh hơn để nhanh chóng tiến tới chấm dứt chương trình này.

Tuy nhiên một số khác bày tỏ quan ngại về các nguy cơ có thể xảy ra khi QE3 bị cắt giảm quá nhanh.

Liên quan đến chính sách lãi suất cơ bản mà Fed đang theo đuổi, một số quan chức tham gia cuộc họp cho rằng Fed cần thay đổi điều kiện nâng tỷ lệ lãi suất theo hướng điều chỉnh giảm quy định về tỷ lệ thất nghiệp.

Theo đó, cơ quan này có thể nâng tỷ lệ lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng thương mại nếu tỷ lệ thất nghiệp xuống 6%, thay vì 6,5% như quy định trước đó.

Tuy nhiên, một số thành viên có quyền bỏ phiếu lại phản đối ý kiến này với lý do Fed cần tiến hành đánh giá tất cả các chỉ số của thị trường lao động trước khi đưa ra quyết định nâng tỷ lệ lãi suất cơ bản.

Trước đó, Fed tuyên bố chỉ điều chỉnh tăng tỷ lệ lãi suất gần bằng 0, vốn được áp dụng từ tháng 12/2009, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 6,5% hoặc lạm phát cơ bản tăng lên mức 2,5%.

Trong cuộc họp định kỳ cuối cùng của năm 2013, với chín phiếu thuận và một phiếu chống, Fed cũng đã nhất trí bắt đầu cắt giảm quy mô gói cứu trợ QE3.

Theo đó mỗi tháng cơ quan này chỉ tung ra 75 tỷ USD, thay vì 85 tỷ USD như hiện nay, để mua lại các trái phiếu dài hạn liên quan đến thế chấp nhằm duy trì mức lãi suất thấp để kích thích đầu tư và vay mượn.

Mức cắt giảm khiêm tốn này được quyết định dựa trên các dấu hiệu khả quan của nền kinh tế.

Mục tiêu của Fed là sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế cho tới khi có được đà phục hồi vững chắc.

Ngay sau khi biên bản cuộc họp của Fed được công bố, các nhà đầu tư đã đồng loạt bán tháo cổ phiếu do lo ngại khả năng QE3 bị cắt giảm hoặc có thể bị chấm dứt hoàn toàn trong năm 2014.

Động thái này đã khiến các chỉ số chủ lực tại thị trường chứng khoán New York giảm điểm khá mạnh.

Chốt phiên giao dịch đầu tiên của năm 2014 diễn ra ngày 8/1, chỉ số Dow Jones giảm 68,2 điểm (tương đương 0,41%) xuống còn 16.462,74. Chỉ số S&P 500 "trượt" 0,39 điểm (tương đương 0,02%), đóng cửa ở mức 1.837,49 điểm.

Trong khi đó, chỉ số Nasdaq vẫn giữ được sắc xanh nhạt khi tăng 12,43 điểm (tương đương 0,3%), chốt phiên ở mức 4.165,61 điểm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục