Giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp luôn là nỗi quan tâm của các Bộ ngành, chuyên gia trong thời gian qua. Nhiều chuyên gia của các tổ chức tín dụng nhận định, hiện thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ổn định, có thể đảm bảo được nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế trong năm 2016. Vì vậy, mặt bằng lãi suất cho vay có nhiều dư địa để giảm ở những tháng cuối năm.
Lãnh đạo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng đã đưa ra các lý do có thể thực hiện được điều này, đó là: Lãi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm ở các kỳ hạn. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ đã đạt 85% kế hoạch năm (phát hành 250.000 tỷ đồng) sẽ giảm thiểu gây áp lực tăng lãi suất; lạm phát tăng so với năm trước nhưng dự báo cả năm vẫn ở mức thấp (3,5-4%).
Ngoài ra, tỷ giá và thị trường ngoại hối từ đầu năm vẫn khá ổn định. Dự báo tỷ giá cuối năm chỉ dao động trong khoảng kỳ vọng (3%); lợi nhuận 6 tháng đầu năm các ngân hàng thương mại tương đối khả quan, tạo dư địa cho việc xử lý nợ xấu và tiết giảm chi phí hoạt động của hệ thống.
Bên cạnh đó, thanh khoản hệ thống đang khá dồi dào, có thể đảm bảo được nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế trong năm 2016, đồng thời cơ cấu tín dụng đang chuyển dịch tập trung cho 5 lĩnh vực ưu tiên, phù hợp với chủ trương của Chính phủ.
"Như vậy, các điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất đang có nhiều yếu tố thuận lợi, song để duy trì việc giảm mặt bằng lãi suất, hệ thống ngân hàng cần phải chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh xử lý nợ xấu để giảm trích lập dự phòng," các chuyên gia của Ủy ban giám sát nhấn mạnh.
Cũng theo Ủy ban này, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong tháng Bảy vẫn ở mức dồi dào. Biểu hiện ở mặt bằng lãi suất liên ngân hàng qua đêm tính đến 18/7 là 1,11%, giảm 0,14 điểm % so với tháng 6. Đây là mức lãi thấp nhất trong nhiều năm qua, đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng hơn 26.000 tỷ trong khoảng 3 tuần từ 01-22/7.
Nguyên nhân thanh khoản khá dồi dào do huy động tăng cao so với cùng kỳ (tính đến cuối tháng Sáu tăng 10,2% so với đầu năm; cùng kỳ 2015 tăng 6%), trong khi tín dụng chỉ tăng ở mức tương đương (tính đến 30/6/2015, tăng trưởng tín dụng đạt 8,16% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm 2015 là 7,86%).
Cung tiền tăng khá mạnh (tính đến 31/5/2016, tăng 6,77% so với cuối năm 2015; cùng kỳ 2015 tăng 3,8%) do Ngân hàng Nhà nước đã bơm vào hệ thống khoảng 180.000 tỷ đồng thông qua việc mua ngoại tệ, trong khi tính đến 22/7/2016 hút ròng khoảng 116.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, thực tế thời gian qua, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm mạnh và không còn là vướng mắc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
So sánh số liệu của các nước trong khu vực thì có thể thấy mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam tương đối hợp lý so với nhiều nước. Theo số liệu công bố của Ngân hàng Thế giới về lãi suất cho vay của một số nước trong khu vực những năm gần đây, lãi suất cho vay (lending interest rate) của Myanmar ở mức 13%/năm, Indonesia là 12,7%/năm, Ấn Độ là 10,3%/năm, Thái Lan là 6,6%/năm, Philipines là 5,5%/năm, Singapore là 5,4%/năm.
“Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam khoảng 6-11%/năm vẫn ở mức tương đối hợp lý so với nhiều nước trong khu vực,” lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Ở một góc nhìn khác, chuyên gia tài chính ngân hàng Trần Hoàng Ngân phân tích, dư địa để giảm lãi suất tuy không còn nhiều nhưng giữ mức lãi suất ở mức ổn định là thông điệp mà doanh nghiệp cần.
“Bản thân doanh nghiệp muốn lãi suất huy động xuống và ngân hàng cũng vậy. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp cổ phần, chịu áp lực từ cổ đông. Lãi suất huy động cao hay thấp đều là sự mong muốn của các doanh nghiệp và kể cả ngân hàng. Tôi vẫn giữ quan điểm là làm sao hạ lãi suất thấp hơn, cơ sở là phải ổn định kinh tế vĩ mô,” ông Ngân nêu quan điểm.
Ông Ngân nhấn mạnh thêm, từ nay đến cuối năm, chính sách tiền tệ phải tiếp tục bám theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, và phải phối hợp với chính sách tài khóa để vừa kiểm soát lạm phát, vừa kéo giảm được lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
Còn lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thì cho biết sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; điều tiết chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn với thời hạn, khối lượng và lãi suất hợp lý để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng nhưng đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Ngoài ra, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay./.