Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng huy động luôn chậm trong khi tăng trưởng tín dụng được dự báo càng bứt phá về thời điểm cuối năm, do đó các ngân hàng cần một lượng vốn bổ sung. Chính vì vậy, một số ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động để đáp ứng nguồn vốn.
Lãi suất huy động chịu áp lực hút tiền
Chỉ trong vòng một tuần, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (Viet Capital Bank) đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động 2 lần. Theo đó, từ ngày 28/10, ngân hàng này tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi với mức cộng thêm 0,2%/năm. Cụ thể lãi suất tiền gửi thông thường, lĩnh lãi cuối kỳ, loại tiền VND được điều chỉnh tăng ở các kỳ hạn 3-5 tháng với lãi suất mới là 5,4% (lãi suất cũ là 5,2%). Bên cạnh đó, sản phẩm tiền gửi kỳ hạn ngày, kỳ hạn 91 ngày cũng tăng lãi suất lên mức 5,4%/năm.
Thời gian gần đây nhiều nhà băng khác cũng đã nâng lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,4%/năm như DongABank, LienVietPostBank, Techcombank, Sacombank, SeABank...
Trả lời câu hỏi vì sao lãi suất liên tục nhích lên trong bối cảnh lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp? Một lãnh đạo ngân hàng cho lý giải, theo quan sát của ông thì việc lãi suất nhích nhẹ do các ngân hàng muốn chủ động tăng nguồn huy động để đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao dịp cuối năm.
Phân tích trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý 3 của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) chỉ ra rằng, nguyên nhân của việc các ngân hàng nâng lãi suất huy động là do tăng trưởng tín dụng ấm lên, đồng thời tỷ giá trong quý 3 đã có sự biến động mạnh đã gây áp lực lên lãi suất.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, sức ép giữ chân khách hàng buộc các ngân hàng phải nâng lãi suất huy động để tăng tính hấp dẫn của kênh tiết kiệm hiện nay.
Lãi suất cho vay khó giảm thêm
Mặc dù trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã có nhiều chính sách giảm lãi suất và ưu đãi lãi suất cho những lĩnh vực ưu tiên nhưng các chuyên gia cho rằng, với mức lãi suất cho vay như hiện nay vẫn còn khá cao, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Và với những diễn biến hiện nay càng cho thấy kỳ vọng lãi suất huy động giảm để giảm lãi suất cho vay khó trở thành hiện thực.
Với tư cách là Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, tiến sỹ Trần Du Lịch cho biết sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Hội đồng tư vấn Tài chính tiền tệ quốc gia nghiêm túc xem xét việc giảm thêm 2% lãi suất cho vay từ năm 2016. Theo ông Lịch, các doanh nghiệp cho rằng lạm phát kỳ vọng năm nay dưới 2%, lãi cho vay trung và dài hạn vẫn 9-10% thì không thể nào tái cơ cấu được.
Vị chuyên gia này cũng chia sẻ cái khó của Ngân hàng Nhà nước khi điều hành lãi suất trong bối cảnh thực tế Việt Nam có sự cạnh tranh lãi suất ngân sách với thị trường. Việc lãi suất giảm được hay không tuỳ thuộc sự cạnh tranh giữa ngân sách với thị trường. Khi lãi suất trái phiếu còn ở mức cao và an toàn thì khó kích thích giảm lãi suất cho vay.
Ông Lịch cho biết thêm, năm 2016, Quốc hội đang cân nhắc phát hành 60.000 tỷ trái phiếu Chính phủ còn lại trong kế hoạch 170.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các dự án đầu tư làm chương trình ở Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên hiện vẫn còn dư 14.000 tỷ đồng.
"Tôi đề nghị thay vì chuyển sang hạng mục đầu tư khác, Quốc hội nên quyết giảm 14.000 tỷ đồng này trong số 60.000 tỷ đồng kia để vừa giảm nợ công vừa tạo dư địa giảm lãi suất," ông Lịch nhấn mạnh.
Theo kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, song hiện vẫn có tới 30% doanh nghiệp không thể tiếp cận nguồn vốn và 30% doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận. Trong khi đó, nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ của Chính phủ đã ban hành lại chỉ đến được với khoảng 5-10% số doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo VCCI, một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn là do lãi suất cho vay hiện nay còn tương đối cao. Do đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể chịu đựng mức lãi suất cao. Không chỉ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, trên thực tế, nhóm doanh nghiệp quy mô lớn cũng khó tiếp cận các khoản vay.
Ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước thông tin ra dư luận là trong năm 2015 sẽ kéo lãi suất xuống 1-1,5%/ năm. Nhưng đến thời điểm này lãi suất cho vay không thể giảm được. Lý do rất đơn giản là với mức lãi suất cho vay như vậy mà doanh nghiệp vẫn vay.
“Điều kiện để giảm lãi suất cho vay trong năm 2015 là rất ít, nếu có chỉ giảm lãi suất cho vay bình quân cỡ khoảng 0,5%/năm,” ông Ánh dự báo.
Còn chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất cho vay sẽ khó giảm, vì tỷ lệ NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) của các ngân hàng hiện nay tương đối thấp, khoảng 2,5 - 2,7%. Nợ xấu vẫn đang ám ảnh ngân hàng, nên rất khó điều chỉnh giảm lãi suất./.