Việc Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định giảm thêm 0,5% đối với các mức lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất huy động đã mang lại hy vọng cho một đợt giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Doanh nghiệp đang rất mong chờ
Các doanh nghiệp đang rất mong chờ mức giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%/năm lần này sẽ có tác động lan tỏa tích cực, hướng tới việc giảm mạnh hơn nữa lãi suất cho vay.
Ông Nguyễn Tú, Giám đốc một công ty vật liệu xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận sau khi Ngân hàng Nhà nước hai lần hạ lãi suất điều hành vào tháng Ba vừa qua, lãi suất cho vay đã bắt đầu hạ nhiệt.
“Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất lần này sẽ là cú hích quan trọng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh sức mua còn thấp,” ông Tú nói.
[Ngân hàng đua giảm lãi suất huy động dưới 6 tháng xuống mức trần 5%]
Là chủ hộ kinh doanh, ông Nguyễn Bá Duy ở Yên Mô, Ninh Bình chia sẻ: “Tôi là hộ kinh doanh ngành vật liệu xây dựng, tình hình kinh tế sau dịch rất khó khăn, các đơn hàng giảm sút, trong khi giá vật liệu tăng cao, vốn xoay vòng rất khó khăn, chúng tôi phải cân nhắc rất nhiều, không giám mở rộng quy mô. Mong thời gian tới với việc lãi suất huy động đang trên đà giả, ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho những hộ kinh doanh nhỏ lẻ như chúng tôi để có thể phục hồi sau dịch.”
Công ty cổ phần Cơ khí Chính xác HBT Việt Nam vừa được ngân hàng thông báo sẽ giảm thêm 0,5% lãi suất cho khoản vay ngắn hạn, bắt đầu từ tháng Sáu tới. Đây đã là lần thứ 2 công ty này được giảm lãi suất cho vay trong năm nay.
"Ngân hàng cho biết sẽ điều chỉnh giảm lãi suất từ 8,3% xuống 7,7%/năm cho kỳ hạn 5 tháng. Chúng tôi là những doanh nghiệp trẻ nên rất cần các nguồn vốn lưu động để đầu tư máy móc, tăng năng suất lao động, mua nguyên, vật liệu phục vụ khách hàng. Với số lượng vốn lớn, chúng tôi sẽ mua được nguyên vật liệu tốt với mức giá tốt hơn," ông Dương Ngọc Hạnh, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí Chính xác HBT Việt Nam chia sẻ.
Không được may mắn như doanh nghiệp trên, giám đốc một công ty kinh doanh lĩnh vực du lịch cho biết chính sách nào hỗ trợ doanh nghiệp lúc này đều rất cần thiết. Tuy nhiên, chính sách phải đi vào cuộc sống ngay trước khi doanh nghiệp “sụp đổ.”
“Tại doanh nghiệp của chúng tôi, với gói vay cũ chỉ áp dụng ngắn hạn 1 năm là phải đảo nợ. Nhưng đến thời điểm này, doanh nghiệp chưa được giảm lãi suất nên mong sớm được áp dụng các chính sách về giảm lãi vay,” vị giám đốc trên nói.
Vị giám đốc này kiến nghị đối với doanh nghiệp muốn tiếp cận gói vay mới với lãi suất ưu đãi, ngân hàng cần hạ tiêu chí cho vay, ví dụ với doanh nghiệp du lịch chỉ cần hợp đồng ký với khách hàng làm tài sản thế chấp... Điều này sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay có lãi suất ưu đãi hơn.
Ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho vay
Một số ngân hàng thương mại lên tiếng lãi suất huy động thời gian qua đã neo ở mức cao, tuy nhiên với động thái mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất đã bắt đầu hạ xuống và từ đó chi phí vốn của các ngân hàng cũng hạ theo. Điều này sẽ tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng có thể "rộng tay" hạ lãi suất cho vay.
Ông Lê Quang Vinh-Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cho biết đây là quyết định đúng đắn của Ngân hàng Nhà nước và Vietcombank sẽ nhanh chóng triển khai các nội dung liên quan để giảm lãi suất theo chỉ đạo.
Ông Vinh cho rằng khi mặt bằng lãi suất huy động được giảm đồng đều, đương nhiên lãi suất cho vay cũng sẽ giảm tương ứng. Hiện ngân hàng đang theo sát và sẽ khẩn trương triển khai các đợt giảm lãi suất mới.
Ông Vinh cho biết thêm từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã có 2 lần giảm lãi suất cho vay với mức giảm 0,5%, áp dụng với khoảng 240.000 khách hàng và quy mô dư nợ được hạ lãi suất khoảng 1,5 triệu tỷ đồng.
Tương tự, ông Phạm Như Ánh-Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng cho rằng đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng hạ lãi suất huy động và từ đó tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Trong bối cảnh thị trường đang hấp thu vốn yếu, tăng trưởng kinh tế khó khăn, việc giảm lãi suất điều hành sẽ giảm được rất nhiều khó khăn cho khách hàng và cả các ngân hàng.
Từ đầu năm đến nay, MB cũng đã liên tục đưa ra các gói ưu đãi giảm lãi suất cho nhóm khách hàng khó khăn, khách hàng ưu tiên. Điển hình là gói tín dụng trên 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp để phục vụ các nhu cầu của khách hàng trong giai đoạn này.
“Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động lần này thì MB sẽ tiếp tục có những chính sách mới để hỗ trợ khách hàng trong thời gian tới,” ông Ánh nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên phong (TPBank) đánh giá các động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước khá phù hợp.
“Trong quý 4/2022 và quý 1 năm nay có lúc lãi suất huy động đã tăng lên, nhưng sau các quyết định điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước thì mặt bằng lãi suất đã giảm. Và chỉ khi các mức lãi suất trên thị trường hạ xuống, chi phí vốn hạ thì các ngân hàng mới có khả năng điều chỉnh lãi suất cho vay. Chúng tôi cũng đưa ra một số chương trình hỗ trợ cho người dân vay vốn, hạ lãi suất cho vay xuống để giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn,” ông Hưng nhấn mạnh.
Ngày 25/5, Ngân hàng Nhà nước có cuộc họp với lãnh đạo cấp cao 26 ngân hàng thương mại để bàn về lãi suất. Theo đó, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận sẽ giảm lãi suất cho vay thêm 0,5% đối với dư nợ hiện hữu, nhằm hỗ trợ tài chính cho khách hàng trong bối cảnh sản xuất-kinh doanh có dấu hiệu chậm lại.
Lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ tại cuộc họp này Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra yêu cầu rất cao đối với việc giảm lãi suất cho vay.
“Giảm lãi suất ở đây là cho khách hàng cũ chứ không phải khách hàng mới. Hiện nay, các khách hàng mới cũng đã được ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn rất nhiều so với trước,” lãnh đạo ngân hàng trên nhấn mạnh.
Trên thực tế thời gian qua, dù đã có xu hướng hạ nhiệt nhưng mức giảm của lãi suất cho vay chưa thể tương ứng với mức giảm lãi suất huy động. Nguyên nhân là do độ trễ giữa lãi suất huy động và cho vay (lãi suất cho vay hiện tại dựa trên giá vốn của huy động trong quá khứ). Theo đó, lượng tiền cho vay hiện nay đến từ giai đoạn các ngân hàng phải huy động phải lãi suất cao trong cuối năm 2022 và đầu quý 1/2023. Hiện các ngân hàng vẫn đang phải trả lãi cao cho số tiền huy động này nên chưa thể giảm lãi suất cho vay ngay lập tức.
Vì vậy, sau động thái quyết liệt này của Ngân hàng Nhà nước, hy vọng mặt bằng giảm lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm đồng đều nhằm chia sẻ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm phục hồi sản xuất. Đây không chỉ là chỉ đạo từ Chính phủ mà còn có ý nghĩa với bản thân chính ngân hàng thương mại. Bởi chỉ khi doanh nghiệp khỏe, họ mới có điều kiện trả nợ vay cho ngân hàng, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống./.