Ngày 10/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa có báo cáo khẩn cấp về tình trạng 5 hồ chứa thủy lợi xuất hiện hiện tượng bất thường, có nguy cơ mất an toàn cho công trình và vùng hạ du; nhiều vị trí bờ sông, suối bị sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhà cửa, đất đai và cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, 5 công trình hồ chứa nước thủy lợi gồm: hồ Tuyền Lâm (thành phố Đà Lạt); hồ P’róh, hồ Ma Đanh (huyện Đơn Dương); hồ Đinh Trang Thượng II (huyện Di Linh); hồ Tư Nghĩa (huyện Cát Tiên) đang bị xuống cấp, hư hỏng nặng.
Trong đó, hồ Tuyền Lâm (địa điểm thu hút rất đông du khách đến tham quan) đang có hiện tượng thấm nước trên thân đập lớn hơn mức cho phép. Các vệt thấm bất thường từ cơ mái hạ lưu xuống thân đập và dọc theo chiều dài thân đập. Bề mặt đập cũng bị sụt lún, rạn nứt, cầu tràn xuống cấp không đảm bảo tải trọng cho các xe cỡ lớn lưu thông.
[Các hồ chứa khẩn trương hạ thấp mực nước chủ động đón lũ]
Trong khi đó, các hồ chứa còn lại đều xuất hiện tình trạng thấm qua thân đập, có vị trí bị thấm mạnh, nước chảy thành dòng lớn, không đảm bảo an toàn khi có mưa bão như hiện nay.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cảnh báo về tình trạng sạt lở bờ sông, suối tại 6 khu vực dọc các sông Đa Dâng (đoạn qua địa bàn huyện Lâm Hà); sạt lở bờ suối tại xã Mê Linh (Lâm Hà), xã Tiên Hoàng (Cát Tiên) và trạm bơm Đạ Goail (huyện Đạ Huoai).
Tình trạng sạt lở các khu vực này kéo dài từ 200-300 m dọc theo bờ sông, suối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đường giao thông, đất canh tác và cơ sở hạ tầng.
Để khắc phục tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị các địa phương và đơn vị quản lý hồ, đập sẵn sàng các phương án phòng chống thiên tai. Đồng thời, Sở đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị lên Trung ương bố trí kinh phí để sửa chữa khẩn cấp các hồ chứa và khu vực sạt lở bờ sông, suối với số tiền dự kiến khoảng 235 tỷ đồng./.