Ngày 11/10, ông Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ký văn bản số 7192/Ủy ban Nhân dân-TL về việc kiểm tra phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Trước đó, từ ngày 30/5 đến ngày 6/10/2021, TTXVN đã có các phóng sự phản ánh tình trạng hồ thủy lợi Próh bị xâm hại khiến công trình xuống cấp nghiêm trọng.
Tại văn bản 7192, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phố hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Đơn Dương, các cơ quan đơn vị có liên quan rà soát toàn bộ phạm vi ranh giới công thủy lợi Próh; làm rõ nội dung phản ánh của phóng viên TTXVN theo quy định; báo cáo với Ủy ban Nhân dân tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 15/10.
Lãnh đạo tỉnh cũng giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Ủy ban Nhân dân huyện Đơn Dương và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, làm rõ nội dung mà phóng viên TTXVN phản ánh về việc khai thác đá quanh hồ, việc cấp giấy cấp chứng nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước Próh; báo cáo với Ủy ban Nhân dân tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 20/10.
[Lâm Đồng: Hủy hoại mốc giới, xây dựng không phép ven hồ Próh]
Cũng trong ngày 11/10, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn đã ra văn bản số 1854/SNN-TL về việc đề nghị kiểm tra, xác định tình hình hủy hoại mốc giới, xây dựng không phép ven hồ chứa nước Próh.
Tại văn bản này Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng tổ chức kiểm tra các nội dung: phạm vi, quy mô, mức độ và đối tượng vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình hồ thủy lợi Próh; số lượng mốc chỉ giới công trình bị hủy hoại; thống kê các trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trùng lên hành lang bảo vệ công trình…như nội dung mà phóng viên TTXVN đã nêu.
Trước đó, ngày 30/5, TTXVN đã có thông tin phản ánh về việc người dân đổ đất tràn lan lấn chiếm hồ thủy lợi Próh. Sau phản ứng nhiều chiều của dư luận xã hội, đến ngày 6/10, TTXVN tiếp tục có bài “Lâm Đồng: Hủy hoại mốc giới, xây dựng không phép ven hồ chứa nước Próh.”
Nội dung của các bài viết, phóng sự truyền hình nêu trên đều phản ánh tình trạng xâm hại hồ thủy lợi này với các hành vi: lấn chiếm hành lang an toàn hồ đập; hủy hoại cột mốc chỉ giới công trình; phương tiện quá tải chạy trên mặt đập gây nứt, thấm thân đập.
Cùng với đó là tình trạng ồ ạt xây dựng không phép nhà vườn theo dạng mô hình du lịch sinh thái, san lấp mặt bằng, khai thác khoáng sản trái phép… xung quanh lòng hồ thủy lợi Próh./.