Lâm Đồng: Xác định nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở đất ở Đà Lạt

Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân vụ sạt lở ở Đà Lạt là do thành phố có mưa liên tục, lưu lượng mưa lớn; chủ đầu tư lại đang triển khai công tác đắp đất để tạo mặt bằng thi công.
Lâm Đồng: Xác định nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở đất ở Đà Lạt ảnh 1Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng ở Đà Lạt. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa có Báo cáo số 1493/BC-SXD gửi Bộ Xây dựng và Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng về sự cố sạt lở taluy nghiêm trọng tại Đà Lạt.

Tại báo cáo này, Sở Xây dựng xác định nguyên nhân sạt lở là do mưa lớn liên tục trên địa bàn, đồng thời chủ đầu tư đang triển khai đắp đất để tạo mặt bằng thi công.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, vị trí sạt lở có tên là taluy chắn đất ở hẻm 15/2 Yên Thế, phường 10, thành phố Đà Lạt. Công trình có tổng chiều dài hơn 380m, cao 13,4m, giật thành 3 cấp từ 4-4,7m; kết cấu bêtông cốt thép kết hợp hệ cọc vây 2 lớp D400.

Chiều rộng của taluy từ chân đến đỉnh đều bằng 0,3-0,7m. Bờ taluy được xây dựng trên 4 thửa đất với 4 giấy phép xây dựng khác nhau.

Công trình do Công ty Cổ phần Xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng thiết kế và thi công. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hà Phát Thịnh thẩm tra thiết kế.

Thời điểm xảy ra vụ việc vào hồi 2 giờ sáng 29/6, bờ taluy bêtông chắn đất bị sạt lở, dẫn đến sạt lở đất và sụp đổ công trình tại hẻm 15/2 Yên Thế. Vị trí sạt lở tại các thửa đất số 656, 657, 658, 659 của 4 hộ gia đình đang thi công taluy chắn đất trên diện tích 2.153m, theo giấy phép xây dựng do Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt cấp.

Qua thu thập thông tin, hạng mục taluy này đã hoàn thành thi công 1 năm, hiện tại chủ đầu tư đang đắp đất để tạo mặt bằng thi công.

Sở Xây dựng đánh giá nguyên nhân sơ bộ của vụ sạt lở do thời gian gần đây tại khu vực thành phố Đà Lạt mưa liên tục, lưu lượng mưa lớn. Đồng thời, chủ đầu tư đang triển khai công tác đắp đất để tạo mặt bằng thi công, lượng nước lớn thấm xuống đất cộng với khối lượng đất đắp sau lưng tường chắn lớn làm gia tăng áp lực lên taluy, gây mất khả năng chịu lực dẫn đến sụp đổ công trình.

Sở Xây dựng đưa ra biện pháp khắc phục ban đầu là giảm áp lực lên taluy bằng biện pháp lấy đất sau lưng tường, đồng thời tạo dòng thoát nước tại khu vực, tiến hành phủ bạt phần đất trên đỉnh taluy, hạn chế nước mặt ngấm vào đất làm tăng áp lực lên thân tường.

Liên quan đến vụ việc này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt khẩn trương khắc phục hậu quả vụ sạt lở, tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại khu vực bằng cách di dời, hỗ trợ người dân tại khu vực sự cố, ngăn chặn người không phận sự tiếp cận khu vực.

Bên cạnh đó, thực hiện giải pháp ngăn dòng, tạo dòng nước tập trung về vị trí sự cố, có các biện pháp ngăn nước thấm xuống đất tại khu vực; đồng thời, có giải pháp giảm tải áp lực sau lưng kè chắn đất...

[Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại Lâm Đồng]

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng giao Sở Xây dựng tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá, tổ chức giám định để xác định cụ thể nguyên nhân xảy ra sự cố sạt lở.

Trước đó ngày 29/6, phóng viên TTXVN đã đưa tin, tại hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám (Phường 10, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng.

Mưa lớn làm vỡ bờ kè bêtông từ trên cao, đất đá tràn xuống các ngôi nhà phía dưới, trong đó có một ngôi nhà kiên cố, một lán trại công nhân bị phá hủy hoàn toàn và vùi lấp. Ba ngôi nhà từ 3-4 tầng khác bị vùi lấp 1 phần, đổ nghiêng, hư hỏng nghiêm trọng.

Vụ sạt lở đã làm 2 công nhân xây dựng đang ngủ trong lán trại thiệt mạng, 5 người ở trong ngôi nhà khác bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là bờ taluy chắn đất bằng bêtông cốt thép của các hộ đang đổ mặt bằng phía trên (hẻm 15/2, Yên Thế) bị vỡ, khiến một lượng lớn đất đá đổ sập xuống, vùi lấp các ngôi nhà phía dưới (hẻm 36, Hoàng Hoa Thám) ngay trong đêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục