Ngày 6/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng có báo cáo nhanh về kết quả kiểm tra, xác minh vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu 267C, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng.
Đây là kết quả kiểm tra sau khi có thông tin từ các cơ quan báo chí về tình trạng người dân đua nhau phá rừng để lấn chiếm đất tại "Dự án trồng rừng, du lịch nghỉ dưỡng, sân golf" rộng 268ha của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Hàn Việt đã bị Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng thu hồi vào tháng 6/2021.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh tổ chức kiểm tra, xác minh.
Kết quả kiểm tra cho thấy, tại khu vực khoảnh 7, tiểu khu 267C thuộc địa bàn xã Hiệp An, thuộc diện tích đã thu hồi của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Hàn Việt và giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý có 7 vị trí xảy ra phá rừng và 1 vị trí lấn chiếm đất rừng trái pháp luật với tổng diện tích lên tới gần 9ha.
Trong đó diện tích rừng bị tác động do phá rừng trên 3,75ha, diện tích rừng bị lấn chiếm 5,15ha; tổng số cây bị cưa, chặt hạ lên tới 519 cây có đường kính gốc từ 8-50cm.
[Xử lý tình trạng phá rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa]
Tại hiện trường, đoàn kiểm tra xác định có 639 lóng, khúc gỗ còn lại với tổng khối lượng trên 53m3 gỗ từ nhóm 4 đến nhóm 6 với các loại cây thông ba lá, dầu trà benh, dẻ… Nhiều lóng, khúc gỗ bị thu gom thành đống đốt cháy hoặc lăn xuống khe để phi tang, nên không đo, tính được khối lượng lâm sản bị thiệt hại.
Đoàn kiểm tra cũng xác định tại 7 điểm phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên, có 3 vị trí thời điểm vi phạm từ năm 2019, 2020, một số diện tích đã trồng chuối, trồng cà phê vào năm 2021.
Tại 4 điểm còn lại, thời điểm vi phạm là từ 1-3 tháng qua. Cả 7 điểm trên đều chưa xác định được đối tượng vi phạm. Tại vị trí lấn chiếm đất rừng, có 5,15ha thuộc rừng sản xuất bị lấn chiếm. Trên diện tích này đã trồng cây càphê, mắcca, mai anh đào và chuối.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác phát hiện 2 đối tượng đang tiến hành đo đất trên diện tích bị lấn chiếm. Trong đó 1 đối tượng là người dân địa phương, đối tượng kia là nhân viên một công ty bất động sản đóng tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.
Trước đó, một số cơ quan báo chí thường trú trên địa bàn đã phản ánh tình trạng hàng trăm cây thông lớn nhỏ ngay sát chốt bảo vệ rừng ở khu vực tiểu khu 267c và 278a đã bị cưa trong vòng vài tuần qua. Nhiều ha đất lâm nghiệp khác đang tiếp tục bị các đối tượng lấn chiếm, trồng cây nông nghiệp như nơi không người quản lý.
Được biết, vị trí rừng thông đang bị các đối tượng cưa hạ, đốt phá, năm 2007 được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Hàn Việt để triển khai "Dự án trồng rừng, du lịch nghỉ dưỡng, sân golf" với diện tích 268ha. Trong thời gian thực hiện dự án, doanh nghiệp này đã cưa hạ, khai thác hàng loạt cây thông cổ thụ dưới vỏ bọc "tận thu lâm sản."
Sau 14 năm triển khai dự án, Công ty này đã để mất hàng chục ha rừng và đất lâm nghiệp.
Trước thực trạng trên, thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, tháng 6/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi dự án của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Hàn Việt, đồng thời giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh (huyện Đức Trọng) quản lý. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn vẫn tiếp tục xảy ra.
Ông Lê Nguyên Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đức Trọng cho biết, ngay khi tiếp nhận dự án thu hồi từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Hàn Việt, nhận thấy khu vực này là điểm nóng về phá rừng nên lãnh đạo huyện Đức Trọng đã chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh lập chốt ngay khu vực này để quản lý, bảo vệ rừng.
Sau khi nhận được thông tin rừng tại khu vực trên đang bị cưa trắng nhiều vị trí, đất lâm nghiệp tiếp tục bị lấn chiếm với quy mô lớn, ông Lê Nguyên Hoàng cho biết sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra sự việc và thông tin kết quả điều tra, xử lý cho các cơ quan báo chí./.